(Xây dựng) – Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng bên hành lang Quốc hội (kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ cho biết: Thực tế, việc cấp phép xây dựng tại Việt Nam hiện nay có “nơi làm quá chặt, chỗ lại bỏ không” khiến cho công tác quản lý trật tự xây dựng gặp nhiều khó khăn. Tại các thành phố, thị xã việc cấp phép cơ bản được quản lý chặt chẽ, tuy nhiên, tại các vùng nông thôn việc cấp phép dường như buông lỏng, hay nói đúng là hoạt động cấp phép xây dựng ở nông thôn chưa diễn ra.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, có việc ăn hối lộ và lợi ích nhóm trong cấp phép xây dựng. |
Quy định chặt chẽ vẫn có tiêu cực, lợi ích nhóm?
Luật Xây dựng 2014, sau thời gian đi vào thực tiễn cuộc sống đã phát huy tính hiệu quả và tạo khung pháp lý vững chắc cho công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, những quy định quá chặt về cấp phép xây dựng, trong đó có trình tự, thủ tục cấp phép đối với các loại công trình đã khiến cho vấn đề cấp phép trở nên phức tạp, rườm rà, thậm chí tạo “cơ hội” cho tiêu cực, lợi ích nhóm.
Quy trình cấp giấy phép xây dựng lẽ ra phải bao gồm cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật. Nhưng theo Luật Xây dựng 2014 thì lại tách thành 3 quy trình, trong đó Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) có thẩm quyền rất rộng trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, quản lý năng lực hoạt động xây dựng...
Đối với các công trình cấp I (từ 25 tầng hoặc trên 75m) trong toàn quốc đều phải được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật (2 lượt thẩm định). Đặc biệt, sau khi đã được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng ở địa phương để xin cấp giấy phép xây dựng.
Cho ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng: “Bất cập trong thủ tục cấp phép xây dựng hiện nay là chúng ta vừa thẩm định thiết kế xong lại chuyển cho một cơ quan Nhà nước cũng quản lý về xây dựng cấp phép xây dựng thì rõ ràng đây là một việc làm chồng chéo, không cần thiết mà chỉ gây phiền hà cho các đối tượng là chủ đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, cùng là cơ quan Nhà nước nhưng khi thẩm định thiết kế, thẩm định xây dựng lại thẩm định những yếu tố về phòng cháy, chữa cháy, thẩm định những yếu tố về môi trường. Như vậy, việc thẩm định này phải vòng qua rất nhiều các đơn vị Nhà nước. Đáng ra, những việc này phải nằm trong một đầu mối để chủ đầu tư không phải mất thời gian qua những việc đó”.
Thực tế nêu trên cũng khiến cho công tác quản lý trật tự xây dựng thời gian qua gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án lớn được xây dựng khi chưa được cấp giấy phép xây dựng. Phía chủ đầu tư thì cho rằng, do thủ tục cấp phép xây dựng quá rườm rà và mất nhiều thời gian, trong khi họ luôn bị áp lực về vấn đề tiến độ.
Xin được đưa ví dụ về dự án sân Golf Kim Bảng do Công ty Cổ phần Golf Trường An làm chủ đầu tư xây dựng tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng (Hà Nam). Dự án có quy mô 36 lỗ, trên diện tích gần 200ha, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có quy mô 18 lỗ.
Tuy nhiên, giai đoạn 1 của dự án dù được khởi công từ đầu năm 2018 đến tháng 8/2018 (sau gần 1 năm triển khai đầu tư xây dựng) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa xin được giấy phép xây dựng. Sự việc chỉ được phát lộ sau khi có Đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra và ra thông báo kết luận.
Đại diện phía Sở Xây dựng Hà Nam cho biết: Về thủ tục cấp phép xây dựng, sau khi có thông tin gửi hồ sơ xin giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng đã hướng dẫn nhà đầu tư. Thứ nhất là xây dựng đúng quy hoạch; thứ hai, đây là công trình cấp I nên phải gửi lên Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) để thẩm định bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công, sau đó trên cơ sở bản vẽ được duyệt thì Sở Xây dựng mới cấp phép xây dựng.
Phía chủ đầu tư cho biết, sau khi được Sở Xây dựng hướng dẫn, Công ty đã trình hồ sơ lên Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) nhưng do yêu cầu hồ sơ quá chặt nên phía Công ty chưa thể thực hiện đầy đủ được, trong khi tỉnh yêu cầu thúc tiến độ dự án… Và phải đến tháng 8/2019, dự án này mới đủ điều kiện hồ sơ để cấp giấy phép xây dựng.
Không chỉ đối với những dự án lớn, việc cấp phép xây dựng đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại các phường và một số quận nội thành cũng cho thấy còn nhiều bất cập, nhiêu khê. Tại Hà Nội, Bộ phận một cửa tại các quận đều công khai các thành phần hồ sơ xin cấp phép xây dựng như: Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng, giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, bản vẽ thiết kế gồm bản vẽ mặt bằng vị trí công trình trên lô đất, sơ đồ vị trí công trình, bản vẽ các mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt… Quy định đối với công trình có quy mô từ ba tầng trở lên; quy định công trình cao từ bảy tầng trở lên… theo phản ánh việc hoàn thiện đầy đủ những thành phần hồ sơ như quy định là rất khó khăn, phần lớn hồ sơ do người dân tự chuẩn bị nên đều bị cán bộ chuyên môn yêu cầu phải sửa chữa, bổ sung nhiều lần.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về việc này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ đưa câu chuyện thực tế: “Cấp phép xây dựng là thủ tục pháp lý nhưng quy định còn phức tạp, rườm rà. Việc này tôi đi làm rồi nên tôi biết, phải nói thật làm cấp phép xây dựng không lành mạnh gì đâu, đó là câu chuyện ăn hối lộ và có lợi ích nhóm. Có điều đáng buồn là chứng cứ lôi ra chưa có, chưa tìm được thôi. Nhưng với từng cá nhân, kể cả người đưa hối lộ, người nhận hối lộ, họ đều biết cả”.
Cấp phép xây dựng tại nông thôn bị “bỏ ngỏ”?
Trong khi pháp luật quy định chặt chẽ về việc cấp phép xây dựng đối với các loại, cấp công trình; các công trình nhà ở riêng lẻ tại thành phố, thị xã thì tại các vùng nông thôn, đặc biệt đối với trường hợp xây dựng công trình tại nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, việc cấp phép xây dựng dường như bị “bỏ ngỏ”.
Đây cũng là căn nguyên chính khiến cho các biệt phủ, nhiều công trình xây dựng tràn lan trên đất nông nghiệp mà không thể kiểm soát.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ cũng thừa nhận: “Hiện nay, việc cấp phép xây dựng ở nông thôn dường như bị buông lỏng hay nói đúng là hoạt động cấp phép xây dựng ở nông thôn chưa diễn ra”.
Ông cũng cho rằng, tại các khu vực này nếu không được cấp phép xây dựng thì sẽ rất khó quản lý? Và nếu không có sự điều chỉnh, quy định cụ thể nó có thể gây nhiều hệ lụy đáng tiếc về sau.
Giai đoạn 1 dự án Sân Golf Kim Bảng (Hà Nam) sau thời gian hoàn thiện đưa vào sử dụng mới được cấp giấy phép xây dựng (Ảnh: TL). |
Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng: Quy định miễn cấp phép xây dựng tại các vùng nông thôn sẽ khiến các cơ quan chức năng ở địa phương rất khó quản lý về quy mô, thiết kế, cấp công trình… Do đó, thống nhất miễn nhưng đề nghị có sự phân cấp cụ thể, nhất là đối với các biệt phủ, biệt thự ở khu vực nông thôn.
Đối với các công trình phục vụ phát triển sản xuất, phụ trợ phục vụ sinh hoạt của người dân ở khu vực nông thôn, thống nhất miễn cấp phép xây dựng nhưng người dân phải báo cho chính quyền địa phương biết địa điểm, quy mô, kết cấu, thời gian xây dựng… để theo dõi, quản lý, kiểm tra khi cần thiết.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (thành phố Hồ Chí Minh) cũng đưa ý kiến, tại thành phố Hồ Chí Minh, nếu không thực hiện cấp giấy phép xây dựng ở khu vực nông thôn chỉ vài ngày thì việc xây dựng nhà sẽ rầm rộ như "nấm mọc sau mưa".
Do đó, đại biểu đề nghị cần phải có quy định để phân biệt giữa những vùng thuần túy nông thôn và những vùng nông thôn trong đô thị lớn để đảm bảo quản lý, sử dụng đất hiệu quả, không phá vỡ quy hoạch xây dựng vùng nông thôn thuộc đô thị.
Kim Thoa
Theo