(Xây dựng) – Thời gian qua, việc triển khai cấp chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề xây dựng theo Luật Xây dựng năm 2014 số 50/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đã giúp các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực xây dựng hành nghề được thuận lợi hơn.
Chính phủ ban hành Nghị định 100/2018/NĐ-CP đã sớm nhận được sự ủng hộ cao của các doanh nghiệp (Ảnh: TL). |
Khi tham gia vào các hoạt động xây dựng, các đơn vị tổ chức luôn cần phải công khai năng lực tham gia xây dựng. Cơ sở để đánh giá năng lực hoạt động xây dựng của một đơn vị, tổ chức có thể dựa vào chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.
Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng là bản đánh giá năng lực thu gọn của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng đối với các đơn vị, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng. Đồng thời, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng là điều kiện, quyền hạn, năng lực của tổ chức tham gia hoạt động xây dựng trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Chứng chỉ hành nghề xây dựng và cơ sở pháp lý chứng chỉ hành nghề xây dựng là một văn bản do Bộ Xây dựng hoặc Sở xây dựng cấp phép cho các tổ chức, cá nhân. Những cá nhân sở hữu chứng chỉ này mới có quyền được tham gia vào các hoạt động xây dựng một cách độc lập với vai trò là giám sát trưởng, chỉ huy trưởng hay chủ nhiệm... Việc yêu cầu có chứng chỉ hành nghề với các cá nhân trở thành điều kiện bắt buộc đã được quy định ở Điều 148 của Luật Xây dựng.
Ngoài ra, việc Chính phủ ban hành Nghị định 100/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đã được quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã sớm nhận được sự ủng hộ cao của các doanh nghiệp.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 1, Nghị định 100/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng thì: "Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập quy định tại khoản 3, Điều 148, Luật Xây dựng 2014”. Do đó, các cá nhân được giao lập hồ sơ thiết kế công trình xây dựng, lập dự toán xây dựng công trình nếu không đảm nhận chức danh chủ nhiệm, chủ trì thì không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại khoản 3, Điều 44, Nghị định 59/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2, Điều 1, Nghị định 100/2018/NĐ-CP.
Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được quy định tại Khoản 4, Điều 1, Nghị định 100/2018/NĐ-CP.
Luật Xây dựng 2014 không quy định cá nhân làm công tác thẩm định tại cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Do đó, tùy theo yêu cầu vị trí việc làm và quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức có thể yêu cầu về tuyển dụng lao động theo từng vị trí phù hợp với nhu cầu của mình.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 85, Luật Xây dựng 2014 thì chủ đầu tư có quyền tự thực hiện thiết kế xây dựng khi có đủ điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề phù hợp với loại, cấp công trình xây dựng.
Ông Ôn Mạnh Nghĩa - Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và lắp đặt thiết bị Việt Nam (Vinace) cho biết, trước đây khi chưa có Nghị định 100/2018/NĐ-CP, để tham gia được các công trình tương đối lớn thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải hợp tác với Công ty lớn hơn để có đủ điều kiện pháp nhân. Điều này làm doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí. Nay theo Nghị định 100/2018/NĐ-CP, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chủ động tự hạch toán kinh doanh, vừa nâng cao năng lực, vừa giảm những chi phí không cần thiết do phải đi nhờ pháp nhân như trước.
Nếu trước đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đủ tư cách pháp nhân theo quy định chỉ tiếp cận được các công trình quy mô cấp 3, giá trị từ 15 tỷ trở xuống. Nay theo Nghị định 100/2018/NĐ-CP, với công trình cấp 1, doanh nghiệp như Vinace có thể tham gia đấu thầu trực tiếp cạnh tranh với doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Điều này sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau.
Đối với cá nhân, theo ông Nghĩa, Nghị định 100/2018/NĐ-CP tạo thuận lợi hơn cho việc được cấp chứng chỉ hành nghề. Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề cũng đơn giản hơn rất nhiều.
Còn theo bà Trần Thị Hương - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (INTRACOM), Nghị định 100/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng theo hướng thông thoáng, đơn giản hóa nhưng chi tiết và thực tế hơn.
Cụ thể, Nghị định 100/2018/NĐ-CP không quy định cứng về số lượng tối thiểu những người trong tổ chức phải đáp ứng trong từng hạng mục để được cấp chứng chỉ năng lực mà chỉ yêu cầu cá nhân chủ chốt có chứng chỉ hành nghề phù hợp.
Quy định này đã tạo được tính chủ động về quy mô hoạt động của tổ chức, loại bỏ sự độc quyền của một số tổ chức lớn, tạo sự linh hoạt trong việc sử dụng lao động tại các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng, phù hợp với yêu cầu công việc và quy luật thị trường lao động.
Việc bổ sung quy định về cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực trực tuyến sẽ giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Nghị định 100/2018/NĐ-CP tăng thời hạn có hiệu lực của chứng chỉ năng lực từ 5 năm lên 10 năm cũng sẽ giảm được tần suất thủ tục hành chính.
“Chúng tôi tin rằng không chỉ doanh nghiệp trong ngành Xây dựng sẽ được thuận lợi hơn trong hoạt động tham gia thị trường xây dựng, nâng cao năng lực thực chất. Và trên hết, doanh nghiệp kỳ vọng có một môi trường hoạt động xây dựng lành mạnh” - bà Trần Thị Hương nhận định.
Tuệ Minh
Theo