(Xây dựng) – Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua vào ngày 17/6/2020 với nhiều đổi mới mang tính chiến lược. Các nội dung quan trọng, theo đó thời gian cấp phép xây dựng được rút ngắn, UBND cấp tỉnh được cấp giấy phép cho công trình cấp đặc biệt…Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, khi xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số nội dung thi hành Luật còn gặp một số vướng mắc.
Luật Xây dựng 2020 đã khắc phục được nhiều tồn tại của Luật Xây dựng 2014 (ảnh: TL). |
Cắt giảm nhiều thủ tục rườm rà
Nhận định về những thay đổi mang tính chiến lược của Luật Xây dựng số 62 (Luật Xây dựng sửa đổi), nhiều địa phương cho rằng, Luật góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mục tiêu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng bằng việc đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý…
Luật đã giảm bớt được một số quy trình trong cấp phép xây dựng, trong đó bước thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở của các công trình xây dựng trong dự án nhà ở đã được tích hợp khi thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xây dựng.
Đại diện phía Sở Xây dựng Bắc Giang cho rằng, quy định mới này đã khắc phục bất cập của Luật Xây dựng 2014, cụ thể, đối với trường hợp dự án nhà ở có công trình cấp I, thay vì trước đây chủ đầu tư phải trình Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng thẩm định cả hai bước, thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật thì đến nay, thủ tục này đã được rút gọn.
Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định cho phép Cục Công tác phía Nam của Bộ Xây dựng được thực hiện công tác của cơ quan chuyên môn về xây dựng bao gồm “Thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công theo phân cấp và theo quy định của pháp luật đối với công trình cấp I là nhà hoặc kết cấu dạng nhà có quy mô đến 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100m”.
Theo Quyết định này, các chủ đầu tư dự án nhà ở có công trình cấp I là nhà hoặc kết cấu dạng nhà có quy mô đến 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100m, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và 17 tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ sẽ không phải ra Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế như trước đây.
Theo Luật Xây dựng số 62/2020/QH2014 được Quốc hội thông qua, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Tuy nhiên, để sớm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, một số nội dung sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2020.
Cụ thể, khoản 2, Điều 3, Luật Xây dựng số 62 nêu rõ: Các quy định của Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2020: “a) Quy định tại khoản 13, Điều 1 về thẩm quyền thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư; b) Quy định tại khoản 30, Điều 1 về miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng; c) Quy định tại khoản 37, Điều 1 về bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt; d) Quy định tại điểm d và điểm đ, khoản 3, Điều này”.
Cần đảm bảo tính thống nhất khi xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số nội dung thi hành Luật
Hiện Bộ Xây dựng đang tiếp thu ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng trước khi trình Chính phủ ban hành. Nghị định này quy định chi tiết một số nội dung thi hành Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14, Luật số 35/2018/QH14, Luật số 40/2019/QH14 và Luật số 62/2020/QH14 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, gồm: Khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng; cấp giấy phép xây dựng; xây dựng công trình đặc thù và thực hiện dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài; năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; hình thức và nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Cho ý kiến về dự thảo Nghị định, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đưa quan điểm và đề xuất làm rõ nội dung tại quy định chung về thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Theo đó, tại Điều 7 của dự thảo Nghị định và đối chiếu với các quy định của Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Hiệp hội nhận thấy, cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện thẩm định 02 lần đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác, như sau: Lần 1 thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô lớn hoặc có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng sử dụng vốn khác, trong đó, có thẩm định thiết kế cơ sở.
Lần 2 thực hiện thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, đối với công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng sử dụng vốn khác được xây dựng tại khu vực không có quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định chưa có dự thảo Phụ lục I - Phân loại dự án đầu tư xây dựng công trình, ban hành kèm theo Nghị định này, để làm căn cứ xác định dự án có quy mô lớn. Bên cạnh đó, việc xác định công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng lại thuộc Phụ lục II - Danh mục công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn, lợi ích cộng đồng ban hành kèm theo “Nghị định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng” (Hiện nay, là Nghị định 46/2015/NĐ-CP).
Đồng thời, HoREA cho rằng, tại khoản 5, Điều 82, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 quy định chủ đầu tư được trình hồ sơ đồng thời đến cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nhưng, điểm a, khoản 6, Điều 7, dự thảo Nghị định lại quy định: Trường hợp cần lấy ý kiến phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan, cơ quan thẩm định yêu cầu người trình thẩm định bổ sung hồ sơ đối với những nội dung lấy ý kiến. Như vậy, từ quy định trên có thể dẫn đến việc phát sinh bổ sung nhiều lần sau khi đã nộp hồ sơ lên cơ quan thẩm định.
Do đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương chuẩn bị nội dung và lấy ý kiến dự thảo Phụ lục I - Phân loại dự án đầu tư xây dựng công trình, ban hành kèm theo Nghị định này, để làm căn cứ xác định dự án có quy mô lớn. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, thay thế Nghị định 46/2015/NĐ-CP, trong đó, có Phụ lục II - Danh mục công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn, lợi ích cộng đồng, để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật.
HoREA cũng đề xuất, dự thảo Nghị định cần hoàn thiện Điều 31 về thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng công trình triển khai sau thiết kế cơ sở thuộc dự án sử dụng vốn khác.
Trong đó, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định bước thiết kế xây dựng công trình triển khai sau thiết kế cơ sở quy định tại Điều 82, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 24, Điều 1, Luật số 62/2020/QH14 của công trình thuộc chuyên ngành quản lý của mình theo quy định tại Điều 101 Nghị định này đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I trở lên (trừ công trình có quy mô dưới 25 tầng chiều cao không quá 75m); tại khu vực không có quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn; công trình thuộc dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 2 tỉnh trở lên.
Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh thẩm định bước thiết kế xây dựng công trình triển khai sau thiết kế cơ sở quy định tại Điều 82, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 24, Điều 1, Luật số 62/2020/QH14 của công trình thuộc chuyên ngành quản lý của mình theo quy định tại Điều 101 Nghị định này đối với công trình có quy mô dưới 25 tầng chiều cao không quá 75m; công trình xây dựng cấp II, III tại khu vực không có quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn trên địa bàn hành chính của tỉnh…
Hiện một số địa phương cũng đưa ý kiến, nhằm góp phần đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo, bất cập khi triển khai Luật Xây dựng (sửa đổi), Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Kim Thoa
Theo