(Xây dựng) - Thông tin từ Sở Xây dựng Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 18 dự án nhà ở xã hội đã và đang đầu tư xây dựng, trong đó, 12 dự án đảm bảo tiến độ, đã đưa vào sử dụng một phần hoặc toàn bộ dự án, 6 dự án chậm tiến độ.
Dự án Khu nhà ở xã hội AMC I tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa nhiều năm liền “đắp chiếu”. |
Tìm hiểu được biết, nguyên nhân chậm tiến độ được các cơ cơ chức năng tỉnh Thanh Hóa nhận định do công tác giải phóng mặt bằng dự án chậm, chủ đầu tư chậm triển khai đầu tư xây dựng đối với phần diện tích đất đã được giao, khả năng quản lý việc đầu tư xây dựng cho các dự án chưa khoa học... Trong số những dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ tại Thanh Hóa, trước hết phải kể đến dự án Khu nhà ở xã hội AMC I tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa nhiều năm liền “đắp chiếu”.
Ngày 24/9/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản số 8870 về việc chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội Khu nhà ở xã hội AMC I tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Phát triển AMC Toàn Cầu đầu tư Dự án Khu nhà ở xã hội AMC I. Mục tiêu đầu tư xây dựng nhằm tạo điều kiện cho người thu nhập thấp trên địa bàn có chổ ở ổn định, đáp ứng cho khoảng 900 hộ dân với tổng mức đầu tư của dự án khoảng gần 527 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn vốn tự có và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa gia hạn thời gian và tiến độ thực hiện trong khoảng 36 tháng. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị đầu tư là 6 tháng, kể từ ngày được chấp thuận đầu tư dự án, giai đoạn thực hiện đầu tư là 30 tháng kể từ ngày 6/8/2020 đến ngày 6/02/2023. Sau khi chính thức khởi công ngày 21/01/2021, đến nay Khu nhà ở xã hội AMC I chỉ có vài hạng mục xây dựng dang dở, bên trong khuôn viên dự án cỏ dại mọc um tùm.
Dự án nhà ở xã hội phố Bào Ngoại với hàng loạt sai phạm, khiến dự án đến nay vẫn “tắc nghẽn”. |
Tiếp đến, là Dự án nhà ở xã hội phố Bào Ngoại, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa với hàng loạt sai phạm, khiến dự án đến nay vẫn “tắc nghẽn”. UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 3071 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này năm 2018. Công ty CP Thương mại - Xây dựng 379 (có địa chỉ tại Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Cuối năm 2022, mặc dù chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền nghiệm thu, cho phép đưa vào sử dụng nhưng nhiều hộ dân mua nhà ở chung cư 379 đã vào ở, sinh hoạt tự do.
Ngày 9/01/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định xử phạt hành chính 80 triệu đồng đối với Công ty CP Xây dựng - Phát triển nhà 379 với lý do đưa công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Sau khi tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình, mới đây, Bộ Xây dựng có văn bản trả lời UBND tỉnh Thanh Hóa trong đó nêu rõ, công trình nêu trên chưa đủ điều kiện để được chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành theo quy định.
Ngoài 2 dự án nhà ở xã hội trên, 4 dự án xã hội khác tại Thanh Hóa cũng chịu chung số phận bao gồm: Nhà ở xã hội tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Hợp Lực làm chủ đầu tư; nhà ở công nhân Khu công nghiệp và đô thị Hoàng Long, phường Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa do Công ty CP Đầu tư phát triển bất động sản nhà Việt Nam làm chủ đầu tư; phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân tại khu vực phía Đông Khu công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa do Công ty TNHH Giầy Sunjade Việt Nam làm chủ đầu tư; nhà ở xã hội tại phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa do Công ty TNHH Thương mại du lịch và xây dựng An Phú làm chủ đầu tư.
Gần đây, Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Để hoàn thành mục tiêu, Chính phủ cho biết sẽ trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, sửa đổi Luật Nhà ở và các quy định pháp luật về thuế...
Để dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ yêu cầu UBND các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp... phải xác định rõ diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội; coi phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm của địa phương.
Về vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề án của Chính phủ nêu rõ các địa phương phải xác định phát triển nhà ở xã hội là một hạng mục đầu tư bằng nguồn vốn trung và dài hạn của địa phương; trích một phần thu từ tiền sử dụng đất trên địa bàn để hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án nhà ở xã hội.
Tiến Anh
Theo