(Xây dựng) - Xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2024 có nhiều tín hiệu khởi sắc đang tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng bám sát diễn biến thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã đưa xuất khẩu tháng 8 tiếp tục đạt con số kỷ lục là 37,59 tỷ USD. (Ảnh minh họa) |
Các chuyên gia cho rằng, nếu duy trì đà tăng như hiện tại, xuất nhập khẩu cả năm 2024 sẽ xác lập kỷ lục mới, bỏ xa mốc 732 tỷ USD từng đạt được trong năm 2022 và hoàn toàn có thể kỳ vọng đạt mốc kỷ lục 800 tỷ USD.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD.
Sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã đưa xuất khẩu tháng 8 tiếp tục đạt con số kỷ lục là 37,59 tỷ USD, kết quả cao nhất từ trước tới nay, vượt hơn 1 tỷ USD so với mức 36,24 tỷ USD của tháng 7.
Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,88 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 191,21 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,1%.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa những tháng gần đây liên tục đạt mức cao, tháng 6 đạt 33,7 tỷ USD, tháng 7 đạt 36,24 tỷ USD, tháng 8 đạt 37,59 tỷ USD, trung bình trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt trung bình 33,1 tỷ USD/tháng, trong khi con số trung bình kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2023 chỉ đạt 31,7 tỷ USD/tháng.
Tính đến hết tháng 8/2024, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%).
Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 2,92 tỷ USD, chiếm 1,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 22,53 tỷ USD, chiếm 8,5%; nhóm hàng thủy sản đạt 6,31 tỷ USD, chiếm 2,4%.
Trong 4 nhóm hàng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 8 tháng qua đạt giá trị lớn nhất 233,3 tỷ USD, chiếm 88% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 41,9%, đạt 5,4 tỷ USD; sản phẩm chất dẻo tăng 31,2%, đạt 4,3 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 28,9%, đạt 46,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 21,8%, đạt 32,7 tỷ USD; sắt thép tăng 14,1%, đạt 6,5 tỷ USD; giày dép tăng 11,8%, đạt 14,9 tỷ USD.
Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 22,53 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, là nhóm hàng tăng cao nhất trong 4 nhóm hàng. 2 nhóm hàng còn lại chỉ đạt mức tăng thấp là thủy sản tăng 4,9% và nhiên liệu và khoáng sản tăng 0,6%.
Dệt may, da giày là ngành có nhiều đơn hàng xuất khẩu trong 8 tháng qua. (Ảnh minh họa) |
Kết quả trên có được là nhờ các đơn hàng xuất khẩu trong các nhóm hàng chủ lực như dệt may, da giày tăng trở lại, đồng thời với dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam, cũng như sự phục hồi ấn tượng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời, xuất khẩu nông sản vừa được mùa, vừa được giá.
Ngân hàng Thế giới cho biết, trong nửa đầu năm, động lực từ xuất khẩu công nghiệp chế biến chế tạo đã góp phần nâng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam lên cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chỉ 5% của nửa đầu năm ngoái.
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phân tích, Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu trong nửa đầu năm nay để tăng đơn hàng, nhất là ở các thị trường đối tác thương mại lớn. Sản lượng sản xuất công nghiệp Việt Nam tăng mạnh, đóng góp đến ¼ tăng trưởng GDP.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2024, có 38 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 40,7%). Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất 93,9%, đạt 230,95 tỷ USD, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,9%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47%.
Xuất khẩu những tháng đầu năm khả quan là nhờ hiệu quả của các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tận dụng tốt những ưu đãi trong các FTA.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng trước những tín hiệu tích cực của thị trường quốc tế, xuất nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Ngọc Chung, Tổng Giám đốc Công ty Dụng cụ cơ khí xuất khẩu cho biết, Công ty đang phải nhập thêm khoảng 20% giá trị vật tư đã có trong kho để chuẩn bị cho xuất khẩu cho năm 2024 này. Chúng tôi tăng trưởng khoảng 10-15%, đạt được 11-12 triệu USD năm 2024.
Hoàng Hồng
Theo