Quang cảnh Hội nghị. |
Mục tiêu của Hội nghị tập huấn là nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK và kiểm kê KNK cho cơ quan quản lý địa phương (Sở Công Thương), các cơ sở phát thải KNK thuộc ngành Công Thương, các Hiệp hội ngành nghề và các đơn vị có liên quan tại khu vực Miền Trung.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Văn Tâm, Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương) cho biết, Hội nghị tập huấn là hội nghị thứ 3 nằm trong chuỗi sự kiện phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thông tư 38/2023/TT-BCT ngày 27/12/2023 Quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương (Thông tư 38). Trước đó, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tập huấn tại miền Bắc và miền Nam.
Thực hiện Thông tư 38 là nội dung rất quan trọng, được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nằm trong danh sách các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Tại Quyết định 13, Việt Nam có khoảng 2.116 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Trong đó, riêng ngành Công Thương có hơn 1.800 cơ sở phải thực hiện kiểm kê và sắp tới phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo. Mốc tiến độ đầu tiên là ngày 31/3/2025 các doanh nghiệp phải có báo cáo.
Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết thêm, EU chỉ là một trong những khu vực đầu tiên áp dụng quy định về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải khí nhà kính trong hàng hóa. Trong tương lai, một số thị trường sẽ kích hoạt quy trình kiểm soát phát thải khí nhà kính như: Anh, Australia, Hoa Kỳ… và một số quốc gia khác đang chuẩn bị cơ chế để khi cơ chế CBAM của EU thành công, các quốc gia sẽ có quy định tương tự. Đây là áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh và kiểm soát phát thải KNK.
Thông qua Hội nghị tập huấn, các doanh nghiệp được hướng dẫn cụ thể về phương pháp, quy trình, cách thức tổ chức, triển khai thực hiện kiểm kê phát thải KNK và MRV các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK tại doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý ở địa phương được hướng dẫn các nội dung về kiểm kê KNK và MRV kết quả giảm nhẹ phát thải KNK, làm cơ sở cho các hoạt động quản lý Nhà nước tại địa phương theo quy định của pháp luật. Việc nâng cao năng lực về MRV kết quả giảm nhẹ KNK và kiểm kê phát thải KNK của ngành Công Thương sẽ góp phần quan trọng phục vụ quá trình các doanh nghiệp tham gia thị trường các-bon tại Việt Nam trong tương lai.
Trong tương lai, một số thị trường sẽ kích hoạt quy trình kiểm soát phát thải khí nhà kính như Anh, Australia, Hoa Kỳ… (Ảnh minh hoạ) |
Tại Hội nghị tập huấn, các chuyên gia đã trình bày các phương pháp tính toán lượng phát thải KNK, cách thức thu thập số liệu hoạt động, kiểm kê và lập báo cáo kiểm kê lượng phát thải KNK, từ đó xây dựng kế hoạch giảm nhẹ và thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải KNK. Các đại biểu tham dự có cơ hội thực hành các kiến thức và kỹ năng này và được giải đáp thắc mắc liên quan quy định kiểm kê KNK và MRV với đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ triển khai các hoạt động nâng cao năng lực về kiểm kê, MRV giảm phát thải cho các doanh nghiệp ngành Công Thương.
Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 2.116 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Trong đó, riêng ngành Công Thương có hơn 1.800 cơ sở phải thực hiện kiểm kê và sắp tới phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo. Mốc tiến độ đầu tiên là 31/3/2025 các doanh nghiệp phải có báo cáo.
Kim Oanh
Theo