(Xây dựng) - Công ty CP Xi măng VICEM Hà Tiên vừa ký kết với HSBC Việt Nam cung cấp khoản tín dụng xanh, hỗ trợ VICEM Hà Tiên mua các nguồn nguyên nhiên liệu thân thiện với môi trường, hướng tới giảm lượng khí thải nhà kính. Đây là doanh nghiệp (DN) Nhà nước đầu tiên tham gia vào chương trình tín dụng xanh của HSBC.
Nỗ lực chuyển đổi sản xuất xanh
Những năm gần đây, đặc biệt từ sau cam kết của Chính phủ tại COP26, các DN Việt Nam quyết tâm, nỗ lực “xanh hóa” hoạt động; tập trung chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; giảm phát thải khí metan; giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính; sản xuất vật liệu xây dựng xanh, phát triển đô thị xanh; đẩy mạnh chuyển đổi số...
Là DN đầu ngành trong sản xuất xi măng, VICEM Hà Tiên tiên phong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, hướng tới sản xuất xanh, bền vững; trong đó, đề tài “Xây dựng phương án đốt rác thải công nghiệp để thay thế một phần nguồn nhiệt đang sử dụng từ than cám cho quá trình nung clinker của Nhà máy Xi măng Bình Phước” (Công ty CP Xi măng VICEM Hà Tiên) của ông Lưu Đình Cường và nhóm cộng sự (đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16); được ứng dụng đem hiệu quả lớn cho DN.
Sau hơn 2 năm vận hành hệ thống đốt rác thải, đến nay, Nhà máy Xi măng Bình Phước trung bình đốt khoảng 200 - 250 tấn rác công nghiệp/ngày, tương đương 25% nhiệt lượng thay thế than; giúp tiết giảm được 15 tỷ đồng (năm 2020) và 17 tỷ đồng (năm 2021) so với sử dụng than đá; dây chuyền 2 Nhà máy Xi măng Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) đốt rác, thay thế trung bình 8 - 10% nhiệt lượng, tiết giảm được 3,5 tỷ đồng (trong 8 tháng năm 2021).
Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho DN, hiệu quả môi trường được khẳng định bằng “con số biết nói”. Kết quả quan trắc môi trường cho thấy các chỉ tiêu bụi tổng, SO2, NOx (tính theo NO2), CO đều giảm; trong đó, nồng độ CO giảm từ 200 mg/Nm3 xuống dưới 150 mg/Nm3; NOx từ 500 - 600 mg/Nm3 xuống thấp hơn 350 mg/Nm3. Theo Quyết định 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu phát thải CO2 đối với sản xuất xi măng (các dây chuyền đã đầu tư đạt) là 650 kg/tấn xi măng, nhưng thực tế phát thải hiện nay của VICEM Hà Tiên chỉ khoảng 565 - 570 kg CO2/tấn xi măng; thấp hơn quy định rất nhiều.
Giảm phát thải, triển khai kinh tế tuần hoàn
VICEM Hà Tiên đặt mục tiêu đạt 35% và cao nhất là 50% tỷ lệ nhiệt thay thế trong giai đoạn tới. Khi tăng dần tỷ lệ sử dụng chất thải làm nguyên liệu thay thế thì mức CO2 dự kiến phát thải ở VICEM Hà Tiên sẽ còn thấp hơn 550 kg CO2/ tấn xi măng. Con số này đặt trong bối cảnh thị trường xi măng dư cung cao, cạnh tranh khốc liệt, mới thấy nỗ lực của VICEM Hà Tiên để “giải bài toán khó” cân bằng sản xuất và môi trường. Đẩy mạnh đồng xử lý chất thải trong sản xuất clinker sẽ đưa VICEM Hà Tiên nói riêng và ngành sản xuất xi măng nói chung góp phần xử lý các vấn đề môi trường cho đất nước. Đến nay, đội ngũ kỹ thuật VICEM Hà Tiên tự làm chủ được công nghệ sản xuất, tự thiết kế, lựa chọn công nghệ, thực hiện mua sắm từ các đơn vị gia công, lắp đặt trong nước, không phụ thuộc vào nước ngoài.
Thực tế cho thấy, tiềm năng xử lý chất thải trong ngành Xi măng rất lớn, vì đây là giải pháp có nhiều lợi thế khi xử lý triệt để các loại chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại, xử lý khối lượng lớn do tận dụng được lò đốt ở nhiệt độ cao sẵn có trong dây chuyền sản xuất, không đòi hỏi cao về phân loại rác, tỷ lệ thu hồi nhiệt cao, không phát thải thứ cấp và hệ thống giám sát khí thải liên tục 24/7, nhờ đó không cần các bãi chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan. Đặc biệt, trong bối cảnh giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao; giá than tăng đột biến, sử dụng các nguồn nguyên nhiên liệu thân thiện với môi trường sẽ tiết kiệm được tài nguyên không tái tạo, giúp DN gia tăng lợi nhuận.
Khoản vay thương mại ngắn hạn trị giá 345 tỷ đồng mà HSBC vừa cung cấp sẽ hỗ trợ VICEM Hà Tiên mua các nguồn nguyên nhiên liệu thân thiện với môi trường, hướng tới giảm lượng khí thải nhà kính, giúp DN hiện thực hoá kinh tế tuần hoàn trong sản xuất. Giao dịch này là bước tiến mới trong việc hiện thực hóa cam kết của HSBC hooỗ trợ thu xếp 12 tỷ USD đến năm 2030 cho các dự án bền vững tại Việt Nam.
“Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục triển khai sử dụng, xử lý các loại chất thải nguy hại và áp dụng công nghệ buồng đốt ngoài để xử lý các loại chất thải sinh hoạt tại các lò nung” - ông Lưu Đình Cường - Tổng giám đốc VICEM Hà Tiên nhấn mạnh.
Cam kết và hành động của VICEM Hà Tiên cho thấy, DN đang nỗ lực thực thi các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất tiết kiệm tài nguyên không tái tạo; góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP26, để thương hiệu Kỳ Lân tiếp tục khẳng định vị thế, xứng đáng với niềm tin của người tiêu dùng.
Vũ Huyền
Theo