(Xây dựng) - Quá tải lưới điện, buộc phải cắt giảm, sa thải công suất vào giờ “vàng” là những lý do được đưa ra khiến nhiều chủ đầu tư công trình điện mặt trời mái nhà ở Thừa Thiên - Huế “khóc dở mếu dở”, nguy cơ phá sản đang cận kề vì thu không đủ trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng.
Lịch sa thải, cắt giảm công suất dày đặc khiến các chủ đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà ở Thừa Thiên - Huế gặp rất nhiều khó khăn. |
Lịch sa thải, cắt giảm dày đặc
Theo Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, hiện toàn tỉnh có 73 chủ đầu tư, khách hàng lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được ngành Điện đồng ý thỏa thuận đấu nối và ký kết hợp đồng mua bán điện, với tổng công xuất 49,3MW.
Nhiều chủ đầu tư công trình điện mặt trời mái nhà ở Thừa Thiên - Huế cho biết: Từ năm 2019-2020, thực hiện chủ trương khuyến khích của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành Điện về xã hội hóa đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng điện mặt trời mái nhà. Nhiều doanh nghiệp, người dân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà, với công suất không quá 1MW. Nguồn vốn được ngân hàng thẩm định cho vay khoảng 70% và vốn tự có 30% để công trình có hiệu quả trả được nợ ngân hàng trên cơ sở phương án tính toán phải phát 100% công suất theo giờ nắng bình quân dự kiến trong năm.
Khi công trình hoàn thành, năm 2020 các chủ đầu tư được ngành Điện đồng ý thỏa thuận đấu nối và được các Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế ký kết hợp đồng mua bán điện. Công trình đi vào hoạt động trong thời gian ngắn ổn định.
Theo trình bày của các chủ đầu tư: Từ tháng 01 đến tháng 08/2021, các công trình điện mặt trời mái nhà sa thải phát điện vào khung giờ khoảng 10h30 đến 13h trung bình khoảng 5% tổng công suất lắp đặt. Tháng 7 đến tháng 8/2021, ngành Điện chỉ huy động sa thải công suất phát vào khung giờ trưa khoảng 10% vào ngày thường và khoảng 15% vào ngày chủ nhật để chia sẻ khó khăn cho các tỉnh tiêu thụ nguồn điện lớn tạm dừng sản xuất, các chủ đầu tư công trình điện mặt trời mái nhà đều chia sẻ với ngành Điện.
Thế nhưng, đến tuần cuối tháng 9/2021, công suất sa thải các công trình điện mặt trời mái nhà lên đến 50-60% công suất lắp đặt. Tháng 10/2021, Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế thông báo cắt giảm khoảng 15% công suất lắp đặt, nhưng từ cuối tháng 10/2021 đến nay công suất cắt giảm ngày càng tăng lên. Cụ thể, từ ngày 01-14/11 ngày thường cắt từ 32 - 38% và ngày chủ nhật cắt đến 50%. Từ ngày 15 - 20/11/2021 chỉ được huy động công suất tối đa 31,1/49,3MW chu kỳ cắt từ 11 - 13h30 và 23,2/49,3MW ngày 21/11/2020 chu kỳ cắt từ 9-14h30. Từ ngày 22-27/112021 chỉ được huy động công suất tối đa 30,2/49,3MW, thời gian từ 10-13h và 21,8/49,3MW ngày 28/11/2021 thời gian từ 8h30-15h.
Theo các chủ đầu tư, thông báo của Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế về thời gian cắt, sa thải công suất điện từ 8h30-15h hàng ngày khiến các nhà đầu tư gặp bất lợi. Bởi, thời điểm giờ “vàng” năng lượng được sản sinh nhiều (khi trời nắng), còn thời gian còn lại trong ngày thì năng lượng thu về không cao. Đặc biệt, khu vực Thừa Thiên - Huế đang về mùa mưa nên rất ít có ánh nắng, nếu có nắng cũng chỉ thời gian buổi trưa. Nếu cắt giảm, sa thải như vậy chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, không có sản lượng điện để bán dẫn đến nguy cơ phá sản rất cao.
Nguy cơ phá sản
Chủ đầu tư công trình điện mặt trời mái nhà ở Thừa Thiên - Huế cho biết: Nhận được phản ánh về lịch sa thải, cắt giảm công xuất liên tục vào giờ cao điểm khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn. Ngay sau đó, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Trung có phản hồi đề nghị các chủ đầu tư chia sẻ khó khăn do dịch Covid-19, khi dịch kiểm soát, các ngành sản xuất phục hồi sẽ tăng công suất huy động trở lại. Tuy nhiên, qua tìm hiểu nguyên nhân cắt giảm, sa thải công suất là do mua điện mặt trời mái nhà ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của các Tổng Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và trên cơ sở thực hiện kế hoạch giao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Các chủ đầu tư bức xúc: Hiện nay, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp tại các tỉnh thành đã được phục hồi trở lại. Thực tế cắt giảm, sa thải công suất phát điện như hiện nay, các chủ đầu tư đều không đủ trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng, chưa kể các khoản chi phí vận hành, sửa chữa… Nếu sa thải công suất phát khoảng 10-15% công suất các chủ đầu tư đã gặp khó khăn. Nhưng, hiện nay ngành Điện cắt giảm từ 35-40% vào ngày thường và hơn 50% vào ngày chủ nhật các chủ đầu tư có nguy cơ phá sản sớm.
Đại diện Công ty Cổ phần Bình Minh Huế - chủ đầu tư công trình điện mặt trời mái nhà ở xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) cho biết: Theo thông báo của ngành Điện các chủ đầu tư phải tuân thủ, tuy nhiên ngành Điện cũng phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp. Nếu tiếp tục cắt giảm, sa thải công suất điện kéo dài như hiện nay, khoảng nửa năm các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà sẽ phá sản do không cân đối được nguồn trả nợ vay. Nếu rủi ro xảy ra ngân hàng sẽ chịu lớn nhất và lúc đó sẽ kiểm toán lại việc cắt giảm, sa thải công suất điện của A0 có đúng quy định hay không.
Theo các chủ đầu tư: Nguồn vốn đầu tư vào công trình điện mặt trời chủ yếu vay ngân hàng lãi suất từ 10-12%/năm, công trình không quá 1MW, với vốn vay 70%. Theo tính toán, nếu công suất phát điện 100% mới trả được vốn vay, lãi chi phí vận hành, sửa chữa… Khi chủ trương kêu nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà mà có nội dung quy định cắt giảm công suất vào ngày thường 20% đến 40% công suất và ngày chủ nhật đến hơn 50% công suất các doanh nghiệp không bao giờ tham gia.
Trao đổi với ông Hà Thanh Long - Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho biết: Việc giảm huy động nguồn điện mặt trời mái nhà, chúng tôi thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực Miền Trung để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện trong điều kiện phụ tải sử dụng điện giảm thấp do dịch bệnh Covid-19, công suất nguồn của hệ thống đang dư thừa, đây là tình huống nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh hệ thống điện quốc gia.
Ông Hà Thanh Long nhấn mạnh: Phía đơn vị rất hạn chế cắt giảm, sa thải đến mức thấp nhất, nhưng đang có bộ phận điều độ năng lượng tái tạo tại A0 quốc gia, họ theo dõi nếu vượt quá công xuất sẽ yêu cầu mình phải cắt. Thời gian này, hình như không cắt giảm, chỉ khi trời nắng công xuất vượt tải an toàn lưới điện, lúc này A0 yêu cầu điều tiết công ty phải thực hiện. Dù có lịch điều tiết hàng ngày, nhưng tùy theo điều kiện thực tế để công ty điều chỉnh đúng theo “lệnh” của cấp trên. Nếu đơn vị nào không chấp hành theo quy định, thì tùy theo mức độ để xử lý.
Miền Trung
Theo