(Xây dựng) – Hiến đất được hiểu là việc cho, tặng một phần đất của mình cho người khác một cách tự nguyện, không bắt buộc.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet). |
Hiến đất có điều kiện và không có điều kiện
Trên thực tế, việc hiến đất có thể bao gồm hiến đất không điều kiện hoặc hiến đất có điều kiện, cụ thể như sau:
- Hiến đất không có điều kiện: Người sử dụng đất tự nguyện hiến đất mà không cần điều kiện gì;
- Hiến đất có điều kiện: Chủ đất khi hiến đất để làm lối đi chung vẫn có quyền yêu cầu người sở hữu đất liền kề được hưởng lợi trực tiếp từ thửa đất đó - bồi thường hoặc hỗ trợ cho mình một phần bồi thường hợp tình, hợp lý dựa trên sự thỏa thuận của tất cả các bên.
Theo đó, các hộ gia đình liền kề cùng sử dụng trên lối đi đó tự thỏa thuận về vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi, đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại và tránh gây phiền hà cho các bên.
Thủ tục hiến đất làm lối đi chung
Sau khi hiến đất làm đường đi chung sẽ làm thay đổi về quyền sử dụng đất đai, khi đó bên hiến đất nộp đơn, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có), hợp đồng hoặc bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cho Văn phòng đăng ký đất đai.
Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu có yêu cầu.
Cụ thể, căn cứ Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP các bước hiến đất làm lối đi chung thực hiện như sau:
Bước 1: Lập hợp đồng tặng cho bất động sản
Lưu ý: Hợp đồng tặng cho được lập bằng văn bản và công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định pháp luật.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất để cập nhật biến động đất
Hồ sơ gồm các giấy tờ:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất;
- Hợp đồng tặng cho bất động sản đã có công chứng, chứng thực thỏa thuận rõ về việc các bên hiến đất làm đường đi chung;
- Bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Giấy tờ tùy thân;
- Sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất.
Bước 3: Tiếp nhận và xử lý
Sau khi tiếp nhận hồ sơ và đối chiếu hồ sơ, trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, văn phòng đăng ký đất đai sẽ cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và cập nhật trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Văn phòng đăng ký đất đai trả hồ sơ và yêu cầu chủ sở hữu hoàn thành hồ sơ.
Khánh Diệp
Theo