Từ khi nhà máy nước sông Đuống hoạt động với phương án giá tạm tính 10.246 đồng/m3 nước, nhiều Cty phân phối nước cho rằng, với giá này họ đối diện nguy cơ lỗ. Trong khi đó, với quy hoạch chồng lấn, một Cty khác cho biết, họ đang bị chiếm mất thị phần…
Mất thị phần vì nước sạch sông Đuống
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 21.3.2013 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội có quy hoạch 3 nhà máy nước mặt là Nhà máy nước mặt sông Đà; Nhà máy nước mặt sông Đuống và Nhà máy nước mặt sông Hồng. Theo quy hoạch này, phạm vi cấp nước của nhà máy máy nước mặt sông Đuống gồm khu vực đô thị trung tâm phía Đông Bắc Hà Nội (quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần Đông Anh) và khu vực phía Nam Hà Nội (một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai); đô thị vệ tinh phía Phú Xuyên và nông thôn liền kề. Ngoài ra còn cấp nước cho một số khu vực các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên… Như vậy, trong quy hoạch của Thủ tướng đã phân vùng rõ ràng.
Theo Quyết định chủ trương đầu tư do Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ngày 3.6.2016, vị trí tuyến ống nước chạy qua địa phận Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên. Từ quyết định quy hoạch của Thủ tướng với quyết định chủ trương đầu tư đã có sự khác biệt, nhưng thực tế đường ống nước sông Đuống đã xây dựng tới Hà Đông, khu vực nằm ngoài quyết định chủ trương đầu tư.
Trước việc này, vào đầu tháng 5.2019, Cty CP đầu tư nước sạch sông Đà đã báo cáo tới cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Trong báo cáo cho thấy, Chính phủ đã phê duyệt dự án cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, đơn vị cung cấp nước Cty CP đầu tư nước sạch sông Đà.
Đại diện Cty nước sông Đà cho rằng, đơn vị cũng đang cung cấp dịch vụ bán nước sạch lâu dài và ổn định với khu vực kể trên. Đối với Hà Đông, nước sông Đà đã có hợp đồng cung cấp nước 50 năm, cam kết sản lượng tối thiểu 42.000m3/ngày đêm. Hiện Hà Đông đang tiếp nhận 35.000m3/ngày đêm. Như vậy đối với đơn vị cung cấp nước sông Đà hiện đang dư thừa công suất khoảng 50.000 - 60.000m3 nước/ngày đêm.
Kêu lỗ khi phải mua nước sông Đuống
Tại báo cáo về hoạt động cấp nước bán buôn trên địa bàn TP.Hà Nội vào tháng 5, Cty nước sạch sông Đà cũng cho biết, hiện tại công ty này đang tiến hành cung cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3. Chỉ cần với giá bán này, hai đơn vị mua lại nước của Cty nước sạch sông Đà là Cty CP nước sạch Viwaco và Cty CP nước sạch Hà Đông vẫn đang hoạt động ổn định và có lãi. Hiện tại ngân sách nhà nước không phải thực hiện bù giá cho các đơn vị này. Chính Cty nước sông Đà đã khuyến cáo với cơ quan chức năng, nếu mua nước từ một đơn vị cung cấp khác có giá cao hơn, có thể dẫn tới việc hao tổn ngân sách do trợ giá nước.
Tháng 7.2017, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký văn bản quy định giá bán nước sạch tối đa của Nhà máy nước mặt sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Việc chấp thuận tạm tính giá cho nước Sông Đuống trên cao hơn cả giá nước sạch bán cho người dân theo quy định của UBND TP.Hà Nội đang áp dụng. Trong đề xuất gửi UBND TP.Hà Nội, Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội là đơn vị cung cấp nước lớn nhất Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm tháng 10.2018, giá bán nước bình quân đến khách hàng là 9.761,28 đồng chưa bao gồm thuế GTGT và phí bảo vệ môi trường. Chỉ tiêu lợi nhuận mà UBND TP.Hà Nội giao cho đơn vị này trong năm 2018 là 216 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội phải mua nước từ nguồn nước mặt sông Đuống thì sẽ đối diện với nguy cơ thua lỗ.
Cụ thể, căn cứ theo tính toán của Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, nếu phải mua nước mặt sông Đuống thì chẳng những không lãi mà còn đối diện với việc sẽ lỗ 192,4 tỉ đồng/năm. Trong trường hợp không được bù khoản chênh lệch này thì công ty sẽ đối diện nguy cơ phá sản.
Một đơn vị khác là Cty Nước sạch số 2 Hà Nội với thị phần cung cấp nước sạch phục vụ nhân dân phía Bắc thành phố Hà Nội cho rằng, nếu phải mua nước mặt sông Đuống với giá 10.246 đồng/m3 thì đơn vị này sẽ đối diện với nguy cơ lỗ mỗi năm khoảng trên 58 tỉ đồng. Phía Cty này cũng khẳng định, nếu phải mua nước với giá trên thì công ty không thể đảm bảo nguồn tài chính, nguồn tiền trả lương, bảo hiểm…
Gần 200 tỉ đồng bù lỗ khi mua nước sông Đuống Cuối năm 2018, liên ngành Tài chính - Xây dựng - Cty TNHH MTVnước sạch Hà Nội, Công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty nước mặt sông Đuống có tờ trình đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét chấp thuận giá bán nước của nhà máy nước mặt sông Đuống cho các đơn vị là 7.700 đồng/m3. Phần chênh lệch với mức giá tạm tính là 10.246 đồng/m3 nước sạch sông Đuống, liên ngành TP.Hà Nội đề xuất phương án cấp… bù lỗ cho 2 đơn vị mua nước của công ty nước mặt sông Đuống đồng thời… bù lỗ cho chính đơn vị sản xuất nước sạch. Cụ thể, số tiền liên ngành đề nghị UBND TP.Hà Nội cấp bù trong năm 2019 cho Cty TNHH MTV nước sạch Hà Nội khi mua 80.000m3/ngày đêm là hơn 118 tỉ đồng. Cấp bù Công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội là hơn 37 tỉ đồng; cấp bù cho Công ty nước mặt sông Đuống khoảng 43 tỉ đồng. Sau kiến nghị của liên ngành, Văn phòng UBND TP đã có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP.Hà Nội: Chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của liên ngành. T.C |
Theo THÔNG CHÍ - CAO NGUYÊN/Laodong.vn