(Xây dựng) – Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Dũng, Trưởng phòng Xây dựng Bền vững của Công ty Xi măng INSEE Việt Nam về mục đích chính của doanh nghiệp khi theo đuổi tuyên ngôn “Vững xây cuộc sống”.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Trưởng phòng Xây dựng Bền vững của INSEE Việt Nam (thứ 5 từ trái sang phải) nhận chứng chỉ công trình xanh LOTUS Gold cho công trình Trạm đọc Măng non. |
Công trình Trạm đọc Măng non của Công ty Xi măng INSEE Việt Nam (INSEE Việt Nam) vừa được trao chứng chỉ công trình xanh LOTUS Gold của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC). Nhân dịp này, Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Dũng, Trưởng phòng Xây dựng Bền vững của INSEE Việt Nam về định hướng phát triển công trình xanh (CTX), hướng đến phát triển bền vững của công ty.
PV: Tính đến nay, INSEE Việt Nam đã có bao nhiêu công trình được trao chứng chỉ CTX, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Dũng: Hiện nay, INSEE Việt Nam đã có 4 công trình đạt chứng chỉ công trình xanh LOTUS của VGBC. Một là công trình Seen House tại Trường THPT Thông Linh, xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đạt chứng chỉ LOTUS Silver. Hai là trường Tiểu học và THCS Kiên Bình tại xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang đạt chứng chỉ LOTUS Gold. Ba là Thư viện Mật Ngọt tại trường Tiểu học Phước Tân A, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đạt chứng chỉ LOTUS Silver. Bốn là Trạm đọc Măng Non tại trường Tiểu học và THCS Bình Trị, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang đạt chứng chỉ LOTUS Gold.
PV: Được biết, 2 công trình Trạm đọc Măng Non và Thư viện Mật Ngọt đều là những đề tài được triển khai sau khi đạt giải thưởng INSEE Prize. Phải chăng cuộc thi này không đơn giản chỉ là sân chơi của những bạn sinh viên đam mê xây dựng và kiến trúc?
Ông Nguyễn Thanh Dũng: Công trình Trạm đọc Măng Non là đề tài dự thi Giải thưởng INSEE Prize 2022 từ các bạn sinh viên Đại học Quốc gia - Trường Đại học Bách Khoa Thàng phố Hồ Chí Minh. Đề tài này đã vượt qua hơn 200 đề tài cùng dự thi để đạt ngôi vị cao nhất và được INSEE cùng các đối tác hỗ trợ triển khai thực tế.
Chúng tôi đánh giá, giải thưởng INSEE Prize là một cuộc thi có ý nghĩa sâu sắc không chỉ cho sinh viên ngành Xây dựng và Kiến trúc. Giải thưởng INSEE Prize đã tạo ra một sân chơi để khuyến khích các bạn sinh viên thể hiện ý tưởng sáng tạo trong thiết kế và xây dựng. Điều này không chỉ giúp phát triển kỹ năng cá nhân mà còn thúc đẩy sự đổi mới trong ngành Xây dựng và Kiến trúc.
Cuộc thi còn giúp sinh viên áp dụng lý thuyết vào thực tế, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm quý giá. Việc này có thể tạo ra những sản phẩm thiết kế thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Thông qua cuộc thi này, INSEE Việt Nam muốn truyền tải cam kết về sự phát triển bền vững thông qua việc khuyến khích các giải pháp xây dựng xanh. Cuộc thi khuyến khích sinh viên nghiên cứu và đề xuất các phương pháp xây dựng bền vững, góp phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường.
Giải thưởng INSEE Prize sẽ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên thông qua việc kết nối với các chuyên gia trong ngành và các nhà tuyển dụng. Đến với cuộc thi này, các bạn sinh viên sẽ được đào tạo các kỹ năng mềm. Mặt khác, thông qua các dự án, cuộc thi sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của kiến trúc và xây dựng bền vững.
Giải thưởng INSEE Prize sẽ khuyến khích sinh viên nghiên cứu và đề xuất các phương pháp xây dựng bền vững, góp phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường. |
PV: Khi quyết định lựa chọn một đề tài đạt giải thưởng INSEE Prize để triển khai trong thực tế, INSEE Việt Nam sẽ xem xét những tiêu chí nào?
Ông Nguyễn Thanh Dũng: Dựa trên kết quả của cuộc thi INSEE Prize, chúng tôi sẽ xem xét 5 tiêu chí chính, trước khi quyết định triển khai một đề tài trong thực tế. Tiêu chí thứ nhất là tính sáng tạo và đổi mới. Đề tài cần có ý tưởng mới, độc đáo và thể hiện sự sáng tạo trong thiết kế và xây dựng.
Tiêu chí thứ hai là tính bền vững. Các giải pháp đề xuất phải thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, cũng như có khả năng ứng dụng lâu dài.
Tiêu chí thứ ba là yếu tố tác động xã hội. Đề tài nên có khả năng giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống cộng đồng và nâng cao nhận thức về xây dựng bền vững.
Tiêu chí thứ tư là khả năng thực thi và khả năng ứng dụng. Đề tài cần có tính khả thi cao, có thể triển khai trong thực tế với nguồn lực và thời gian hợp lý. Dự án cần có ngân sách hợp lý từ Ban tổ chức (khoảng 200 triệu đồng) và chứng minh nguồn hỗ trợ, nếu dự án vượt ngân sách của Ban tổ chức. Giải pháp phải có khả năng ứng dụng rộng rãi trong ngành Xây dựng và Kiến trúc, có thể mở rộng ra nhiều dự án khác.
Tiêu chí thứ năm là tính thẩm mỹ. Ngoài tính năng và hiệu quả, thiết kế cũng cần phải có giá trị thẩm mỹ, góp phần tạo nên không gian sống đẹp và hài hòa.
PV: Được biết, Trạm đọc Măng non là công trình không phát thải khí CO2 trong quá trình vận hành. Xin ông cho biết INSEE Việt Nam đã áp dụng giải pháp nào để có được kết quả như vậy?
Ông Nguyễn Thanh Dũng: Điểm đặc biệt nhất ở Trạm đọc Măng non là công trình không phát thải khí CO2 trong quá trình vận hành nhờ vào việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng và thiết bị có hàm lượng phát thải carbon thấp, có chứng chỉ xanh.
Đó là xi măng INSEE, xi măng gỗ Conwood, sơn Nippon và giải pháp hệ thống mái của công trình cách nhiệt tốt thông qua sử dụng tấm panel Kingspan, máy điều hòa tiết kiệm điện Reetech và hệ thống pin năng lượng mặt trời REE với công suất 20kWh/ngày (công suất dự án sử dụng tối đa là 9kWh/ngày).
Tại dự án này, hơn 30% vật liệu trong công trình là vật liệu tái sử dụng, bao gồm cả nội thất. Hơn 70% vật liệu được sử dụng có chứng nhận nhãn xanh và EPD (Environmental Product Declaration - Tuyên bố Sản phẩm về Môi trường). 100% diện tích công trình được chiếu sáng tự nhiên khi vận hành. 100% năng lượng sử dụng đến từ nguồn năng lượng mặt trời.
Trạm đọc Măng non là công trình không phát thải khí CO2 trong quá trình vận hành. |
PV: Theo ông, những CTX như Trạm đọc Măng non, Thư viện Mật ngọt sẽ mang đến lợi ích gì cho người sử dụng? Liệu đó có phải là mục đích chính của INSEE Việt Nam khi theo đuổi tuyên ngôn “Vững xây cuộc sống”?
Ông Nguyễn Thanh Dũng: Đúng vậy, những CTX như Trạm đọc Măng Non và Thư viện Mật Ngọt mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho người sử dụng, đồng thời cũng phản ánh mục tiêu của INSEE Việt Nam trong việc theo đuổi tuyên ngôn “Vững xây cuộc sống”.
Trước hết, những dự án này được thiết kế để tối ưu hóa 100% sử dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày, thông gió và đem lại chất lượng không khí tốt nhất, giúp người sử dụng cảm thấy thoải mái và khỏe mạnh hơn.
Các dự án này cũng tiết kiệm chi phí vận hành nhờ vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ví dụ, Trạm đọc Măng non sử dụng 100% năng lượng mặt trời, trong đó hơn 50% lượng điện sử dụng tại công trình, hơn 50% lượng điện dư thừa được hòa vào mạng lưới điện của trường. Với những giải pháp như vậy, công trình xanh có thể giảm đáng kể chi phí điện năng và nước, mang đến lợi ích kinh tế cho người sử dụng về lâu dài.
Một lợi ích to lớn khác là các công trình này giảm thiểu khí thải CO2 và sử dụng nguồn tài nguyên bền vững, góp phần bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai, tái sử dụng tối đa các vật liệu đã qua sử dụng.
Ngoài ra, CTX thường tạo ra không gian cộng đồng tích cực, khuyến khích sự tương tác và giao lưu giữa người dân, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống tại vùng sâu, vùng xa, nơi các em nhỏ đang thiếu thốn trăm bề.
Mục đích chính của INSEE Việt Nam khi theo đuổi tuyên ngôn “Vững xây cuộc sống” không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các công trình mà còn mở rộng việc tạo ra những giá trị bền vững và có lợi cho cộng đồng. Các CTX như Trạm đọc Măng Non và Thư viện Mật Ngọt đã thể hiện rõ ràng cam kết này, mang lại lợi ích cho người sử dụng và góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Trong thời gian tới, INSEE Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục áp dụng, lồng ghép những tiêu chuẩn CTX vào các dự án của công ty để mang đến lợi ích bền vững cho cộng đồng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dịch Phong (thực hiện)
Theo