(Xây dựng) - Những nỗ lực không biết mệt mỏi trong nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hải Dương đã được “đền đáp” khi thứ hạng PCI của tỉnh tăng 15 bậc, từ hạng 32 lên hạng 17 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hải Dương tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài. |
Nhiều tiến bộ
Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), năm 2023 Hải Dương đứng thứ 17 cả nước, đứng thứ 5 trong số 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với 68,68 điểm, tăng 3,46 điểm và tăng 15 bậc so với năm 2022.
Nếu so với những tỉnh, thành phố có thứ hạng trong top 10, thứ hạng PCI của Hải Dương còn tương đối khiêm tốn. Nhưng nếu so với chính địa phương này, việc tăng liền 15 bậc, từ hạng 32 lên hạng 17 thể hiện sự kiên trì, nỗ lực của chính quyền và người dân Hải Dương trong cải thiện môi trường đầu tư nhằm lấy lại hình ảnh năng động, thân thiện vốn có.
Trong 10 chỉ số thành phần, Hải Dương có 7 chỉ số tăng điểm là: gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Tuy nhiên, Hải Dương vẫn còn 3 chỉ số giảm điểm nhẹ là: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, việc tạo thuận lợi cho nhà đầu tư gia nhập thị trường là điểm sáng trong thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư của Hải Dương. Chỉ số thành phần này được tỉnh giữ vững vị trí thứ 4 cả nước và đứng đầu toàn vùng qua các năm 2022, 2023. VCCI đánh giá rất cao việc giải quyết thủ tục đầu vào cho doanh nghiệp của Hải Dương khi rút ngắn thời gian xử lý và khuyến khích giao dịch trực tuyến, trong đó hơn 99% số hồ sơ về đăng ký doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh được cơ quan chuyên môn của tỉnh giải quyết trực tuyến.
Đối với chỉ số tiếp cận đất đai, năm 2023 Hải Dương đứng vị trí số 1 trong vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 5 toàn quốc về chỉ số này. So với các chỉ số thành phần khác, chỉ số tiếp cận đất đai đóng vai trò quan trọng, là yếu tố nền tảng để doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều năm trước, các thủ tục về đất đai luôn là điểm nghẽn của Hải Dương. Do đó, khi được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng điều hành về chỉ số này, đồng nghĩa việc Hải Dương đang làm tốt việc hỗ trợ, đồng hành giải quyết các vấn đề về đất đai. Thực tế cho thấy, thời gian qua tỉnh nỗ lực triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời các cấp, ngành tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến đất đai.
Ngoài ra, Hải Dương còn được doanh nghiệp ghi nhận về chỉ số cạnh tranh bình đẳng khi đứng thứ 7 cả nước, đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng. Chỉ số này đánh giá mức độ công bằng, bình đẳng trong lãnh đạo, điều hành của chính quyền khi xử lý các vấn đề của doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ, doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài.
Cùng với 3 chỉ số thành phần đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng, Hải Dương còn có 2 chỉ số có kết quả khả quan. Chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh của Hải Dương đứng thứ 12 cả nước, thứ 3 trong vùng và chỉ số đào tạo lao động đứng thứ 8 cả nước, thứ 4 toàn vùng.
Đây là 2 chỉ số có cơ cấu điểm cao, tác động lớn đến chỉ số chung. Việc so sánh với các tỉnh, thành phố trong vùng với những tương đồng về vị trí, điều kiện tự nhiên… để thấy được nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chính sự nỗ lực, cố gắng nâng cao chỉ số năng lực cạnh canh cấp tỉnh, kinh tế của Hải Dương đã có nền tảng ổn định để phát triển. Trong 9 tháng của năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,31% so với cùng kỳ năm trước, vượt so với kịch bản đầu năm đề ra (tăng 8,67%).
Cũng trong khoảng thời gian này, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Hải Dương đạt 353,8 triệu USD, trong đó, cấp mới 51 dự án với số vốn 217,8 triệu USD; 26 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 130,7 triệu USD; 21 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần 5,3 triệu USD. Thu hút đầu tư mới 41 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 5.010,2 tỷ đồng, tăng 2,3 lần; điều chỉnh 140 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm 3.025,4 tỷ đồng. Trong 9 tháng của năm 2024, Hải Dương cũng thành lập mới được 1.460 doanh nghiệp, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước...
Tiếp tục nỗ lực
Duy trì đà thăng tiến trong nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục khẳng định vị thế của một tỉnh trung tâm đồng bằng sông Hồng là mục tiêu quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Hải Dương trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Hải Dương tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển. |
Trong năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các chỉ số PCI thành phần. Trong đó tập trung 4 chỉ số quan trọng gồm 1 chỉ số tỉnh đạt thứ hạng cao, cần tiếp tục phát huy là gia nhập thị trường; 3 chỉ số ở mức trung trình, cần phải cải thiện là tính minh bạch và khả năng tiếp nhận thông tin, chi phí thời gian, chi phí không chính thức.
Để đạt kết quả cao theo kế hoạch đã đề ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương đã đề ra hàng loạt giải pháp cụ thể, trọng tâm, gồm: công khai, minh bạch các thủ tục hành chính liên quan đến tiếp nhận, giải quyết thủ tục đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp; xây dựng, tổ chức thực hiện quy trình giải quyết nội bộ đối với từng thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả phối hợp các sở, ngành, địa phương; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; quan tâm cập nhật, đăng tải các quy định, chính sách, quy hoạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin; tăng cường kiểm tra, phòng ngừa hành vi phiền hà, sách nhiễu trong thực thi nhiệm vụ; duy trì thực hiện đường dây nóng của lãnh đạo sở để các doanh nghiệp phản ánh, thông tin kịp thời.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp như: đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng, môi trường, thuế, hải quan, bảo hiểm, cấp phép kinh doanh có điều kiện…
Đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính, quy trình giải quyết thủ tục hành chính không cần thiết và gây phiền hà cho doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; tăng tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Tổ chức công bố quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt. Thực hiện lộ trình xây dựng phần mềm quản lý quy hoạch và công khai các quy hoạch trên môi trường mạng điện tử, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh…
Lan Hạ
Theo