(Xây dựng) - Trong phát triển các dự án xanh, công trình xanh (CTX), các doanh nghiệp luôn muốn tiếp cận nguồn tài chính xanh. Tuy nhiên, chính doanh nghiệp phải hiểu đúng, trúng về tài chính xanh và cơ hội, điều kiện cần thiết thì mới có thể tiếp cận nguồn lực này. Dưới đây là quan điểm của 2 đại diện tổ chức tài chính quốc tế về nguồn vốn xanh.
Tín dụng xanh là một trong những nguồn tài chính xanh dành cho doanh nghiệp để phát triển CTX. |
Bà Lương Phương Mai - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn khu vực phía Nam và bất động sản, HSBC Việt Nam: HSBC cam kết hỗ trợ huy động lên đến 12 tỷ USD cho các dự án bền vững của Việt Nam
Kể từ sau cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), HSBC cũng đã đưa ra cam kết trong việc hỗ trợ huy động đến 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp tại đây đến năm 2030.
Bà Lương Phương Mai - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn khu vực phía Nam và bất động sản, HSBC Việt Nam. |
HSBC không tập trung vào một số nhóm ngành nghề cụ thể mà hỗ trợ sự chuyển đổi ở đa dạng các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, bất động sản và vận tải xanh…
Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi xanh không chỉ là một lựa chọn, mà ngày càng trở thành điều kiện bắt buộc. Ngày nay, khi phát triển bền vững trở thành mục tiêu toàn cầu, các Chính phủ sẽ khắt khe hơn với những doanh nghiệp gây tác hại đến môi trường trong quá trình phát triển. Người tiêu dùng mong muốn được mua những sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp có hoạt động thân thiện với môi trường. Các công ty quan tâm đến xanh hóa chuỗi cung ứng và nhà đầu tư để ý đến tính bền vững của các doanh nghiệp mà họ đổ tiền vào.
Là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam không thể tránh khỏi những yêu cầu chuyển đổi này. Chuyển đổi xanh không chỉ là chiến lược tấn công, mà còn là phòng hộ trong tương lai.
Hiện nay, HSBC đã hoàn tất khoảng 40 giao dịch xanh và có nhiều giao dịch đang trong kế hoạch thực hiện. Đây là những giao dịch cho các doanh nghiệp đến từ lĩnh vực công và tư, trong đó có những doanh nghiệp HSBC cấp tín dụng xanh nhiều lần.
Các khoản tín dụng xanh của HSBC vẫn tương tự như các khoản tín dụng truyền thống về các tiêu chuẩn thẩm định rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, các khoản tín dụng xanh phải trải qua quy trình quản lý và phê duyệt tín dụng nghiêm ngặt về tài chính bền vững của HSBC, được giám sát bởi Ủy ban Tài chính Bền vững châu Á - Thái Bình Dương.
Đồng thời, các khoản tín dụng xanh cũng được yêu cầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Bộ Nguyên tắc Tín dụng Xanh quốc tế do Hiệp hội thị trường cho vay và Hiệp hội Thị trường cho vay châu Á - Thái Bình Dương phối hợp ban hành.
Để tiếp cận tài chính xanh, các dự án công trình trước hết cần nằm trong “khẩu vị” tín dụng của ngân hàng trong từng thời kỳ. Ngoài ra, đối với phần tiêu chuẩn xanh, chúng tôi dựa trên những tiêu chuẩn được chứng nhận xanh bởi các tổ chức uy tín như LEED, EDGE…
Chúng tôi thường ưu tiên những dự án có mức độ “xanh” cao hơn các dự án khác vì những dự án này có mức phát thải thấp hơn hẳn và sẽ đóng vai trò dẫn dắt thị trường.
Bà Đỗ Ngọc Diệp - Quản lý Chương trình CTX tại Việt Nam của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC): IFC cũng đã và đang thúc đẩy tài chính xanh
Đến nay, Việt Nam hiện đã phát triển hơn 300 CTX, với khoảng 7,2 triệu m2 sàn. Con số này chưa nhiều. Nguyên nhân là do doanh nghiệp với tầm nhìn ngắn hạn vẫn còn chần chừ, chưa thấy có lợi ích hoặc chưa bị ép làm CTX thì chưa đầu tư. Nhưng cũng vì thế mà nhiều doanh nghiệp mất cơ hội.
Bà Đỗ Ngọc Diệp - Quản lý Chương trình CTX tại Việt Nam của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC). |
Từ những năm 2020 - 2021, đã có rất nhiều các báo cáo của PwC và của Ngân hàng Morgan Stanley về việc các nhà đầu tư lớn tỏ rõ động thái sẽ chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp/dự án có cơ chế phát triển bền vững lồng ghép trong chiến lược kinh doanh của mình. Tại Việt Nam, theo Dragon Capital, từng có không ít nhà đầu tư lớn rời bỏ thị trường do nhận thấy sự hạn chế trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết, việc chậm triển khai chuyển đổi “xanh” là do thiếu tiền đề, nguồn lực có hạn hoặc gặp khó khăn về kỹ thuật. Điều này thực sự đúng với nhiều ngành, đặc biệt nếu việc xanh hóa yêu cầu chuyển đổi hoàn toàn công nghệ hoặc nguồn nhiên/nguyên liệu phục vụ sản xuất. Tuy vậy, đối với ngành Xây dựng nói chung và các công trình xây dựng nói riêng thì không thể lấy đây là lý do.
Như đã nêu trên, Việt Nam đã có những công trình xanh đầu tiên từ năm 2008, và hiện giờ đã có hàng trăm CTX. Số lượng CTX được đánh giá với chứng chỉ EDGE của IFC, tính riêng năm 2022 đã có 31 dự án, gồm 3.042 đơn vị nhà ở và 30 công trình nhà máy, nhà xưởng, văn phòng, trường học, khách sạn… đạt được cấp chứng chỉ.
Thậm chí các công trình nhà ở thu nhập thấp, NƠXH có số vốn đầu tư rất thấp như nhà thu nhập thấp Bắc Ninh của chủ đầu tư HUDLAND hay nhà ở xã hội EcoHome 3 của chủ đầu tư Capital House tại Hà Nội đều đã được cấp chứng chỉ xanh vào năm 2019.
Như vậy, để thấy đối với các dự án nhà ở, khách sạn, nhà kho, thậm chí nhà máy công nghiệp nhẹ với tỷ trọng sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất không cao, nút thắt thực sự không nằm ở việc thiếu thông tin, thiếu giải pháp kỹ thuật, hay thậm chí là thiếu vốn.
Dự án nhà thu nhập thấp Bắc Ninh đạt chứng chỉ CTX EGDE ở cả hai giai đoạn thiết kế và đầu tư xây dựng hoàn thiện. |
Trong thời điểm hầu hết doanh nghiệp chưa có hành động cụ thể nhằm định hướng phát triển theo hướng xanh, bền vững, doanh nghiệp nào dám nghĩ dám làm sẽ đạt được nhiều lợi ích, bao gồm cả thu hút các nguồn vốn xanh.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách mạnh mẽ hơn nhằm nâng tỷ trọng tín dụng xanh hiện vẫn còn rất khiêm tốn. Các tổ chức quốc tế, đơn cử là IFC cũng đã và đang thúc đẩy tài chính xanh.
Năm 2020, VPBank đã ký kết “Hợp đồng cho vay tín dụng xanh” trị giá 212,5 triệu USD với IFC và các nhà đồng tài trợ quốc tế. Đây là giao dịch vay hợp vốn xanh đầu tiên tại thị trường Việt Nam đáp ứng các điều kiện của Bộ Nguyên tắc Tín dụng Xanh.
Tiếp sau đó, SeABank and OCB cũng đã lần lượt nhận được các khoản vay từ IFC nhằm tạo ra các sản phẩm tín dụng xanh phục vụ nhu cầu doanh nghiệp.
Bên cạnh tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng là một kênh huy động vốn hữu hiệu từ khu vực tư nhân cho các dự án thân thiện với môi trường. Năm 2021, Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land) đã phát hành thành công 200 triệu USD trái phiếu quốc tế niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) với lãi suất 7,375% và thời hạn 5 năm.
Tới tháng 9/2023, IFC cam kết đầu tư tới 3.500 tỷ đồng vào các trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ do BIM Land và Công ty Cổ phần Thanh Xuân phát hành. Trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên ở Việt Nam này sẽ cung cấp vốn ưu đãi cho hai công ty phát hành tăng cường tiết kiệm nước và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các khách sạn sẽ đạt tiêu chuẩn EDGE.
Bên cạnh đó, hiện có một số nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ, ví dụ như vốn hỗn hợp giữa IFC và Chính phủ Anh. Chính phủ Anh đồng ý hỗ trợ phát triển bất động sản và xây dựng xanh tại 13 nước, trong đó có Việt Nam.
Nhìn chung, trong bối cảnh toàn thế giới tiến tới phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ rằng xu hướng này sẽ không thay đổi và các hỗ trợ, ưu đãi cũng đã ngày càng ít đi. Thay vì chờ đợi giúp đỡ và tiếp tục nghe ngóng, doanh nghiệp nên có những hành động thiết thực, từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do 789club ios phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Quý Anh – Yến Mai (ghi)
Theo