(Xây dựng) - Trên thực tế, trong quá trình hoạt động đầu tư xây dựng nhiều chủ đầu tư, nhiều nhà đầu tư còn rất lúng túng khi cùng một vấn đề thì được thực hiện theo Luật Xây dựng hay Luật Đầu tư công?.
Được đầu tư 2300 tỷ bằng nguồn vốn ngân sách, Bảo tàng Hà Nội khai thác kém hiệu quả đang có dấu hiệu xuống cấp thể hiện sự lãng phí của đầu tư công. |
Luật Đầu tư công năm 2019 được sửa đổi, bổ sung có phần tốt hơn luật trước, nhưng xem ra một số quy định trong luật này vẫn còn chồng chéo, chưa rõ và khó thực hiện. Nếu đúng ra, Luật Đầu tư công phải làm rõ 2 vấn đề:
Đối với nguồn vốn đầu tư công mà không có đầu tư xây dựng thì được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công hiện nay (năm 2019). Đối với nguồn vốn đầu tư công thực hiện cho đầu tư xây dựng công trình thì phải tuân theo các quy định của Luật Xây dựng từ khâu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng…Bởi vì những vấn đề này đã được quy định trong Luật Xây dựng. Nếu cần phải điều chỉnh thêm những vấn đề hoạt động xây dựng thì Luật Đầu tư chỉ dừng ở mức quyết định đầu tư, kế hoạch cấp vốn, các biện pháp bảo đảm đủ nguồn vốn, các biện pháp hạn chế tình trạng nợ đọng, tình trạng thi công kéo dài, tình trạng công trình đắp chiếu… Do thiếu vốn, hoặc phân bổ vốn thiếu khoa học. Đó là những vấn đề mà người dân, các nhà đầu tư, các chủ đầu tư trông chờ sự hoàn thiện của Luật Đầu tư công.
Tại khoản 16, Điều 4 hoạt động đầu tư công bao gồm: Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định quyết định chương trình, dự án đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện kế hoạch, dự án đầu tư công; quản ý sử dụng vốn đầu tư công; nghiệm thu bàn giao chương trình, quyết toán dự án đầu tư công; theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.
Nếu để cho pháp luật minh bạch và dễ hiểu thì phải được tách rõ 2 mục trong đó, phạm vi giới hạn của hoạt động đầu tư công đối với chương trình đầu tư công mà không có công trình xây dựng. Giới hạn của hoạt động đầu tư công đối với những dự án đầu tư xây dựng công trình, như vậy trong quá trình thực thi mới dễ thực hiện và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động đầu tư công và trong hoạt động xây dựng.
Tại khoản 16 Điều 4 chúng ta có thể thấy rằng, việc nghiệm thu, bàn giao dự án, việc quyết toán dự án không thể là hoạt động đầu tư công, đây là lĩnh vực hoạt động tài chính thuộc Bộ Tài chính. Việc kiểm tra, thanh tra cũng cần có giới hạn trong hoạt động đầu tư công có chừng mực nào, nêu như trên người ta có thể hiểu công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu tư công trùng lặp với thanh tra, kiểm tra hoạt động xây dựng trong trường hợp đầu tư công xây dựng công trình?
Trong hoạt động xây dựng luôn luôn có 3 đối tượng xuất hiện và phải được quy định rõ quyền và trách nhiệm của họ trong việc hoạt động xây dựng đó là: Chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư, nhà thầu tư vấn (các hoạt động tư vấn xây dựng), nhà thầu xây dựng (kể cả tổng thầu). Ba đối tượng này phải xuất hiện, phải có quyền và nghĩa vụ từ khâu lập chủ trương đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở để các cơ quan Nhà nước thẩm định và phê duyệt.
Tuy nhiên, trong Luật Đầu tư công 2019 hầu như chỉ phân vai cấp nào thẩm định, cấp nào phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm B và C (trừ trường hợp đối với các công trình quan trọng Quốc gia, công trình nhóm A thì luật quy định việc lập báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi thì tuân theo Luật Xây dựng). Điều này cho thấy, luật chưa hề quan tâm đến chất lượng của những loại thủ tục đầu tư dành cho công trình nhóm B và C. Vậy cơ sở nào để chúng ta có thể tin được các nguồn vốn đầu tư công tạo nên các dự án khả thi, tình trạng tiêu cực trong việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước lâu nay?. Trong khi vốn đầu tư công chủ yếu đầu tư xây dựng những công trình nhóm B và C.
Mặt khác, trong Luật Đầu tư công cũng liệt kê những nội dung yêu cầu của báo cáo chủ trương đầu tư, báo cáo tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi. Mặc dù những vấn đề này đã được nêu rất kỹ trong hệ thống pháp luật xây dựng. Trong kỹ thuật luật pháp cũng không cho phép có sự trùng lặp những vấn đề ở những luật khác đã nêu. Về nguyên tắc, chỉ cần yêu cầu nội dung các loại thủ tục đó được thực hiện theo các quy định của hệ thống pháp luật xây dựng. Ngoài ra, nếu có yêu cầu gì cụ thể thêm thì cần được quy định thêm trong luật.
Trong đầu tư công, đối với việc đầu tư các dự án xây dựng công trình, ngôn ngữ chính để thể hiện hiệu quả đầu tư dự án đó là hệ thống bản vẽ. Nhưng trong Luật Đầu tư công, nội dung quy định về việc lập hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư không hề đề cập đến các hồ sơ thiết kế làm cơ sở để phê duyệt dự án. Vậy cơ sở nào để các cấp thẩm định và phê duyệt dự án như đã nêu trong Luật Đầu tư công?
Theo mục 22 Điều 4 quy định vốn đầu tư công của luật này bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. Nhưng tại khoản 6 Điều 5 đối tượng đầu tư công lại quy định: “Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hỗ trợ đầu tư cho những đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”. Quy định này liệu có phù hợp với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư công?
Mặt khác tại khoản 4, Điều 5 quy định: “Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư” với quy định này, nếu không được quy định một cách rõ ràng bằng một văn bản dưới luật thì thực tế sẽ không thể thực hiện. Cần phải quy định cụ thể trong một dự án đầu tư xây dựng, trong trường hợp nhà nước tham gia đầu tư bằng vốn đầu tư công chiếm tỷ lệ bao nhiêu % dự án thì được quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công?.
Nhìn chung, Luật Đầu tư công mới chỉ dừng ở mức độ về những quy định thủ tục hành chính, trình tự, thủ tục để được thực hiện cấp vốn đầu tư công; phân cấp, phân vai tổ chức cá nhân có thẩm quyền, thẩm định, phê duyệt việc cấp vốn đầu tư công cho các dự án, chương trình. Những mong muốn của các nhà đầu tư, của các chủ đầu tư, của các nhà thầu thi công xây dựng trong việc cấp đủ vốn đầu tư xây dựng công trình theo kế hoạch, tiến độ xây dựng, hạn chế tình trạng “đói vốn”, tình trạng xây dựng dở dang, đặc biệt là tình trạng nợ đọng đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công đã gây nhiều khó khăn, tiêu cực cho các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng, Luật này chưa giải đáp được.
Thiên Trường – Duy Nguyên
Theo