(Xây dựng) – Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức được phê duyệt vào năm 2014 do Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm thuộc Bộ Y tế làm chủ đầu tư, dự kiến hai bệnh viện này sẽ đi vào hoạt động năm 2017. Tuy nhiên, đến nay cả 2 dự án đều chậm tiến độ 3 năm.
Theo Bộ Y tế, dự kiến cuối tháng 12/2020 hai phòng khám đa khoa thuộc cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai sẽ đi vào hoạt động, chậm nhất là tháng 1/2021. |
Tìm hiểu được biết, 2 bệnh viện này được đầu tư xây dựng quy mô mỗi bệnh viện 1.000 giường, diện tích sàn mỗi bệnh viện gần 120 ngàn mét vuông, tổng mức đầu tư cả 2 dự án hơn 8000 ngàn tỷ đồng. Đây là các Bệnh viện hạng đặc biệt, có quy mô lớn, đầu tư trang thiết bị đồng bộ hiện đại, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và có nguồn nhân lực kỹ thuật cao.
Thủ tướng Chính phủ cho phép cả 2 dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác đấu thầu, kể cả hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã chỉ đạo Chủ đầu tư tổ chức đấu thầu rộng rãi theo quy định của Luật Đấu thầu, lựa chọn được các nhà thầu thi công xây lắp có năng lực kinh nghiệm. Trong đó, liên danh nhà thầu Tổng Công ty 36, Tổng Công ty 319, Tổng Công ty Thành An trúng thầu gói khối nhà chính; Liên danh Thành Đạt – Vinaconex 25 trúng gói thầu hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà… của Dự án xây dựng bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Còn liên danh nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội CTCP và Công ty cổ phần Hồng Hà Việt Nam trúng gói thầu xây dựng khối nhà chính; Liên danh Thành đạt – Vinaconex 25 trúng thầu gói thầu hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà; và một số nhà thầu khác đã trúng thầu dự án xây dựng bệnh viện Việt Đức.
Nhà thầu thiết kế kiến trúc của cả 2 dự án là Công ty VK (Bỉ). Đây là đơn vị có kinh nghiệm thiết kế nhiều bệnh viện lớn ở châu Âu và đã thiết kế bệnh viện Vinmec tại Việt Nam.
Sau 3 năm triển khai, dự án đã hoàn thành toàn bộ phần thô và đang triển khai công tác hoàn thiện, hạ tầng. Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã kiểm tra đánh giá chất lượng phần kết cấu khối nhà chính của hai công trình, đồng ý nghiệm thu phần kết cấu chịu lực để chuyển sang giai đoạn hoàn thiện.
Đến hết năm 2017, hai bệnh viện vẫn bị chậm tiến độ, không thể đi vào hoạt động như dự kiến, đến ngày 16/5/2018, Bộ Y tế đã có Công văn số 2772/BYT-KH-TC về tiến độ triển khai hai dự án bệnh viện. Trong đó, xin phép kéo dài tiến độ khánh thành khu khám và điều trị ban ngày vào tháng 12/2018, “cột mốc” dự kiến hoàn thành tổng thể 2 dự án, bàn giao cho các bệnh viện tiếp quản, vận hành toàn bộ dự án trong năm 2019. Ngày 21/10/2018, Bộ Y tế tổ chức lễ khánh thành kỹ thuật khu khám bệnh ban ngày của dự án cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Nhưng trên thực tế, đến nay cơ sở 2 bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vẫn chưa hề hoạt động, còn cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai thì mới chỉ có Khoa Khám bệnh đang hoạt động cầm chừng với nhiều hạng mục vẫn đang thi công dang dở, thậm chí “đắp chiếu”.
Theo ghi nhận, những ngày đầu tháng 12/2020, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 ở tỉnh Hà Nam vẫn trong trạng thái “ngủ say”. Xung quanh Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 là khu nhà ở liền kề đang tấp nập xây dựng, hoàn thiện. Các khu đô thị Nam Châu Giang, River Silk City, các lô đất trên đường Lê Đức Thọ, đường Lê Duẩn… đều có nhà đang được xây dựng. Nhiều khách sạn cũng vừa hoàn thiện để đón bệnh nhân từ bệnh viện.
Theo phản ánh của người dân, thời gian qua hầu như không có hoạt động xây dựng ở cả 2 dự án bệnh viện.
Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã cơ bản hoàn thành, còn hạng mục nhà chính vẫn đang thi công, có cẩu tháp, nhưng hầu như không có công nhân. Bên ngoài có 1 bảo vệ túc trực. Cách đó vài trăm mét là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (xã Liêm Tuyền, Phủ Lý, Hà Nam), trước cổng bệnh viện là bảng thông báo khoa Khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tạm thời ngừng hoạt động từ ngày 30/3/2020. Nhân viên bảo vệ ở đây cho biết, giờ muốn khám chỉ có thể lên cơ sở 1 tại Hà Nội, sau đợt dịch, khoa Khám bệnh nghỉ tạm thời, chưa có thông báo bao giờ hoạt động lại.
Lý giải về thực trạng trên, đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin trên báo chí cho biết, Ban quản lý dự án y tế trọng điểm (Bộ Y tế) vẫn chưa bàn giao cơ sở 2 cho bệnh viện, do đó chưa có thông tin gì để phản ánh với báo chí. Khi được bàn giao, bệnh viện sẽ có phương án cụ thể về nhân lực đảm bảo khám chữa bệnh tại cơ sở 2.
Trước đó, tại Kết luận kiểm tra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra nguyên nhân khiến 2 dự án bệnh viện lớn có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng chậm tiến độ 3 năm so với quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các dự án được quản lý không theo loại hợp đồng đã được quy định (không theo hình thức tổng thầu EPC và cũng không theo mô hình truyền thống), gây nên nhiều khó khăn cho việc tổ chức quản lý, điều hành dự án. Các gói thầu được ký hợp đồng là dạng hợp đồng khung, nội dung chi tiết được triển khai theo các phụ lục và giá chi tiết hợp đồng được xác định sau khi có dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, về công tác đấu thầu của 2 dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, từ năm 2014 – 2016, đã hoàn thành đấu thầu toàn bộ hạng mục xây dựng và lắp đặt thiết bị xây dựng công trình của 2 dự án theo hình thức gói thầu hỗn hợp. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức đấu thầu gói thầu hỗn hợp thiết kế và thi công, căn cứ mời thầu là tổng mức đầu tư nên nhiều nội dung còn sơ lược, chưa chi tiết, nhất là khối lượng xây dựng, điều kiện hợp đồng, mẫu hợp đồng dẫn đến khó khăn khi mời thầu, ký kết hợp đồng cũng như thực hiện hợp đồng.
Ánh Dương
Theo