(Xây dựng) – Mặc dù phát động trong khoảng thời gian ngắn, các giải thưởng hiệu quả năng lượng đã tiếp cận được gần 800 doanh nghiệp và tiếp nhận gần 100 doanh nghiệp gửi hồ sơ tham dự. Đây cũng là số lượng hồ sơ lớn nhất mà các giải thưởng nhận được sau 3 mùa tổ chức.
Thành viên Hội đồng Giám khảo của Giải thưởng năm 2022. |
Ngày 16/12/2022, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng - Bộ Công Thương phối hợp với Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức Lễ trao giải “Giải thưởng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp - công trình xây dựng năm 2022, Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2022”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, theo các khảo sát của Chương trình VNEEP3, dư địa tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam trong công nghiệp còn khả thi từ 20-30%. Số liệu công bố bởi Bộ Xây dựng cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng ước tính từ 30-35% với tỷ lệ gia tăng diện tích sàn đưa vào sử dụng hàng năm là trên 40%. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công Thương, thực hiện Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc từ ngày 01/7/2013, đã có trên 90% thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng.
“Là hoạt động thường niên trong khuôn khổ Chương trình VNEEP3, các giải thưởng sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đạt mức tiết kiệm 8-10% tổng tiêu thụ toàn quốc giai đoạn 2019-2030, đồng thời đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050”, ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.
Trong thời gian phát động, từ ngày 26/8 đến hết ngày 15/11/2022, các giải thưởng đã nhận được sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp, toà nhà tham dự với hơn 200 giải pháp tiết kiệm năng lượng được triển khai. Ban tổ chức cũng nhận được hồ sơ gần 300 sản phẩm, thiết bị tham gia tranh giải Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất đến từ nhiều chủng loại nhãn hàng bao gồm điều hoà không khí, máy giặt, bình đun nước nóng, động cơ điện, sản phẩm chiếu sáng dân dụng và chiếu sáng công cộng…
Đại diện các doanh nghiệp đạt giải nhì trong lĩnh vực công trình xây dựng. |
Đại diện Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam - đơn vị chủ trì các giải thưởng trong những năm qua, ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội đánh giá cao chất lượng hồ sơ tham gia các giải thưởng năm nay. Ông Hiệp cho biết: “Với gần 100 hồ sơ tham dự các giải thưởng, Ban tổ chức đã phân loại và đánh giá hồ sơ theo đúng quy chế, thể lệ đã được ban hành. Nhìn chung, so với các năm trước, các hồ sơ năm nay không chỉ tăng về mặt số lượng mà chất lượng cũng cao hơn, được các đơn vị đầu tư kỹ càng hơn. Các thành viên Hội đồng giám khảo đã rất công bằng, minh bạch trong việc đánh giá, lựa chọn những đơn vị, sản phẩm, cá nhân xứng đáng nhất để vinh danh tại lễ trao giải”.
Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất có 9 thương hiệu được trao cup Người dẫn đầu với 79 sản phẩm được chứng nhận. Các sản phẩm được chứng nhận sẽ được cấp mã QR dán kèm nhãn năng lượng cao nhất khi lưu thông trên thị trường đồng thời thông tin về sản phẩm được đăng tải tại //tietkiemnangluong.luisala.com/top-runner giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và tra cứu thông tin.
17 công trình thuộc hai hạng mục công trình xây mới và công trình cải tạo được lựa chọn trao giải Giải thưởng hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng năm 2022.
11 doanh nghiệp công nghiệp được lựa chọn trao giải Giải thưởng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2022. Giải thưởng cũng vinh danh 30 cá nhân là các cán bộ quản lý năng lượng có thành tích xuất sắc và tốt trong công tác quản lý năng lượng tại doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, dự kiến Ban tổ chức sẽ lựa chọn 4 doanh nghiệp có giải pháp vượt trội gửi hồ sơ tham dự Giải thưởng hiệu quả năng lượng Asean.
Mộc Miên
Theo