(Xây dựng) - Trong công bố mới đây, Fitch Rating đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của VietinBank, Vietcombank và ANZ Việt Nam từ “tích cực” xuống “ổn định” và của ACB và MB từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.
Fitch Rating hạ triển vọng tín nhiệm của 5 ngân hàng là Vietcombank, Vietinbank, MBBank, ACB và ANZ Việt Nam (Ảnh: Internet). |
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Rating đã điều chỉnh hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm Nhà phát hành nợ dài hạn (IDRs) của bốn ngân hàng thương mại Việt Nam (gồm hai ngân hàng quốc doanh và hai ngân hàng thương mại tư nhân) và một ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Theo đó, triển vọng xếp hạng IDRs của Vietinbank, Vietcombank và ANZ Việt Nam đã được điều chỉnh từ mức “tích cực” về mức “ổn định”, xếp hạng giữ mức “BB-”. Còn ACB và MB điều chỉnh triển vọng từ mức “ổn định” về mức “tiêu cực”, xếp hạng giữ mức “B+”. Bên cạnh đó, Fitch còn hạ xếp hạng chỉ số Viability Rating (VR) của VietinBank từ mức “B” xuống “B-”.
Theo Fitch, lý do điều chỉnh triển vọng lần này là vì Việt Nam đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 và có khả năng tình trạng này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hồ sơ tài chính của các ngân hàng trong thời gian tới. Chỉ số IDR vẫn được giữ nguyên ở mức hiện tại vì Fitch kỳ vọng hệ thống sẽ phục hồi khi nền kinh tế trở lại vào thời điểm năm 2021.
Fitch trước đó dự báo mức tăng trưởng GDP cả năm 2020 của Việt Nam vào khoảng 3,3%. “Cú sốc” kinh tế mạnh này sẽ dẫn đến sự gia tăng tỉ lệ thất nghiệp, khiến lực lượng lao động khu vực phi chính thức và các chủ doanh nghiệp siêu nhỏ rơi vào tình trạng khó khăn tài chính nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tài sản và thu nhập của hệ thống ngân hàng.
Theo Fitch, ngân hàng sẽ trở thành một trung gian quan trọng, có thể phải gánh chịu phần lớn công việc “giải cứu” cho nền kinh tế khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất điều hành và chỉ đạo các ngân hàng mở rộng chương trình hỗ trợ cho vay đối với người bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nới lỏng các yêu cầu về phân loại và trích lập dự phòng. “Triển vọng của chúng tôi về lợi nhuận của các ngân hàng là tiêu cực”, Fitch nhận định.
Cũng theo Fitch, triển vọng xếp hạng của ngân hàng tư nhân có thể trở lại mức ổn định khi điều kiện kinh tế ổn định hơn và sức khỏe tài chính của các ngân hàng phục hồi về mức trước khi đại dịch xảy ra. Ngược lại, xếp hạng ngân hàng sẽ tiếp tục bị hạ thấp nếu sự căng thẳng tín dụng trong hệ thống trở nên rõ nét hơn, tình trạng vốn hóa xấu đi và lợi nhuận giảm sâu quá kỳ vọng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm này.
Trước đó, Fitch đã hạ điểm môi trường hoạt động của Việt Nam từ “BB-” xuống “B+”, nhưng vẫn giữ triển vọng ổn định với dự đoán rằng sự chậm lại trong các hoạt động kinh tế chỉ trong ngắn hạn và sẽ phục hồi đáng kể vào năm 2021, với dự báo tăng trưởng ở mức 7,3%.
Khánh An
Theo