(Xây dựng) – Mới đây cơ quan điều tra đã cung cấp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng”.
Mối quan hệ phức tạp giữa BIDV Hà Thành – Công ty Trung Dũng – TISCO. |
Qua kết quả điều tra đã xác định, do có nhu cầu vay vốn để kinh doanh mặt hàng thép thành phẩm, ngày 04/01/2010, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) đề nghị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh Hà Nội cấp giới hạn tín dụng ngắn hạn 190 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh sắt thép.
Ngày 29/01/2010, VietinBank có văn bản số 447/CV-NHCT5 về việc duyệt giới hạn tín dụng đối với Công ty Trung Dũng, nâng giới hạn tín dụng 190 tỷ đồng, nâng hạn mức phán quyết cho VietinBank - Chi nhánh Hà Nội là 150 tỷ đồng/món; Biện pháp bảo đảm tiền vay: Cho vay không có tài sản đảm bảo, áp dụng biện pháp đảm bảo bổ sung là thế chấp quyền sử dụng 19.000m2 đất Hà Nam cấp cho Công ty Hà Nam và cầm cố lô thép.
Trong thời gian từ tháng 01 đến tháng 09/2011, Công ty Trung Dũng tiếp tục đề nghị VietinBank nâng giới hạn tín dụng để phục vụ nhập khẩu mặt hàng than mỡ, bổ sung vốn lưu động kinh doanh. Đến ngày 9/4/2011, VietinBank có Công văn số 2261/CV-NHCT5, về việc duyệt giới hạn tín dụng ngắn hạn cho Công ty Trung Dũng là 650 tỷ đồng. Trong đó: Từ ngày 9/4/2011 đến ngày 20/7/2011 là 650 tỷ đồng (giới hạn cho vay ngắn hạn tối đa là 500 tỷ đồng); Sau từ ngày 20/7/2011 đến ngày 20/9/2011 là 610 tỷ đồng (giới hạn cho vay ngắn hạn tối đa 610 tỷ đồng); Sau ngày 20/9/2011 đến ngày 15/4/2012 là 500 tỷ đồng (giới hạn cho vay tối đa 500 tỷ đồng); Mục đích cấp giới hạn bổ sung: nhập khẩu lô than mỡ; Biện pháp bảo đảm: Lô than mỡ hình thành từ vốn vay.
Ngày 30/9/2011, VietinBank có Văn bản số 7333/CV-NHCT5 về việc kéo dài thời hạn duy trì giới hạn tín dụng 610 tỷ đồng năm 2011 của Công ty Trung Dũng đến ngày 30/10/2011; từ ngày 31/10/2011 đến ngày 15/4/2012, giới hạn tín dụng sẽ giảm còn 500 tỷ đồng.
Trên cơ sở giới hạn tín dụng được cấp, VietinBank – Chi nhánh Hà Nội giải ngân cho vay bằng các khoản vay từng lần. Trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2012, VietinBank - Chi nhánh Hà Nội đã thực hiện cho vay từng lần, bảo lãnh thanh toán để Công ty Trung Dũng mua thép thành phẩm của Công ty TISCO, mở L/C nhập khẩu than mỡ. Tính đến ngày 31/12/2018, Công ty Trung Dũng còn dư nợ của 03 khoản vay, với tổng số tiền gốc là 114,4 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn là 105,4 tỷ đồng, tổng cộng là 219,8 tỷ đồng, đến nay không có khả năng thanh toán.
Như vậy, những sai phạm của VietinBank – Chi nhánh Hà Nội và Hội sở bị cơ quan điều tra đánh giá là có dấu hiệu tội hình sự.
Theo kết luận, hiện Công ty Trung Dũng không có khả năng tài chính để trả nợ, không có tài sản để đảm bảo cho khoản vay, nên VietinBank không thu được nợ gốc 114.441.017.335 đồng đối với 02 khoản vay ngắn hạn và 01 khoản vay bắt bộc để thanh toán L/C.
Đối với 02 khoản vay ngắn hạn: Việc đề xuất cấp giới hạn tín dụng không có bảo đảm chưa đúng quy định (thiếu chỉ tiêu tài chính); Dư nợ gốc hiện nay là 48,85 tỷ đồng. Quá trình quản lý sau vay, các cán bộ của VietinBank – Chi nhánh Hà Nội không quản lý được dòng tiền thu về, dẫn đến không thu đủ nợ, hành vi này của cán bộ Chi nhánh có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” quy định tại Điều 179 BLHS năm 2015. Còn đối với khoản L/C, dư nợ gốc hiện nay là 65,59 tỷ đồng.
Trong việc cấp tín dụng không có tài sản đảm bảo: Tại thời điểm đề xuất cấp giới hạn tín dụng không có bảo đảm, báo cáo tài chính của Công ty Trung Dũng thể hiện một số chỉ tiêu về tài chính không đủ theo quy định gồm: hệ số tài trợ <20%; hệ số ngắn hạn <1; ROE<5%, báo cáo tài chính chưa có kiểm toán. Đồng thời việc cấp giới hạn tín dụng không có bảo đảm vượt thẩm quyền quyết định của Chi nhánh… Là người được giao cấp thẩm quyền quyết định cấp tín dụng, Hội đồng Tín dụng Hội sở chính đã đồng ý cấp tín dụng khi khách hàng không đủ các điều kiện về khả năng tài chính của Vietinbank, dẫn đến hiện nay Vietinbank không thu được nợ của khách hàng nên họ phải chịu trách nhiệm liên đới với hậu quả này.
Trong việc quản lý dòng tiền: Khi phát hành L/C, Hội sở chính Vietinbank yêu cầu Chi nhánh “Đề nghị Công ty Trung Dũng thỏa thuận với Công ty TISCO về điều khoản thanh toán trong hợp đồng mua bán than mỡ các nội dung: (i) Thanh toán ngay sau mỗi đợt giao hàng, không áp dụng thanh toán bù trừ, (ii) Trường hợp thanh toán trả chậm yêu cầu phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng đối với phần trả chậm”. Chi nhánh đã không thực hiện được nội dung này… Vietinbank phải giải ngân bắt buộc, đến nay không thu được 65 tỷ đồng.
Sai phạm của cán bộ Chi nhánh có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015; Các cán bộ tại Hội sở chính chịu trách nhiệm liên đới trong việc cấp giới hạn tín dụng để Chi nhánh phát hành L/C, có dấu hiệu của tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”quy định tại Điều 179 BLHS năm 2015.
Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra thì đây là nội dung điều tra mở rộng, không nằm trong vụ án xảy ra tại BIDV và Công ty Trung Dũng. Và do thời gian điều tra đã hết, hiện nay chưa thu thập đủ tài liệu chứng cứ để đánh giá và kết luận, nên tiếp tục điều tra làm rõ kết luận và xử lý sau.
Ngoài Vietinbank, MBBank cũng bị điều tra về khoản cho vay Công ty Trung Dũng. Được biết, ngày 21/03/2011, ông Đoàn Hùng Dũng đại diện Công ty Trung Dũng và ông Nguyễn Hải đại diện Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) – Chi nhánh Long Biên đã ký Hợp đồng tín dụng số 29.11.066.899998.TD. Nội dung cơ bản như sau: Hạn mức cam kết tối đa là 300 tỷ đồng; Giá trị hạn mức bảo lãnh tối đa là 200 tỷ đồng; Mục đích để tài trợ vốn lưu động, mở L/C nhập khẩu để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2011 các mặt hàng thép, phôi thép, các loại than; Thời hạn hợp đồng đến hết ngày 31/12/2012.
Tài sản thế chấp cho hạn mức là: (1) Quyền đòi nợ phát sinh theo Hợp đồng kinh tế số 02/2011/HĐMB-TD giữa Công ty Trung Dũng và Công ty Hà Nam; trị giá 65 tỷ đồng; (2) Quyền đòi nợ phát sinh bảng đối chiếu công nợ tháng 10/2011 giữa Công ty Trung Dũng và Công ty Hà Nam, trị giá 607 tỷ đồng.
Sau đó, trong các ngày từ 01/08/2011 đến 30/9/2011, MBBank đã thực hiện giải ngân theo 06 khế ước nhận nợ, với tổng số tiền là 246 tỷ đồng. Tổng dư nợ tạm tính đến 04/4/2019 là 477,82 tỷ đồng. Theo kết luận, hiện nay Công ty Trung Dũng không có khả năng trả nợ đối với khoản vay này.
Bên cạnh khoản cho vay, nên biết, trước đó, vào tháng 9/2009, MBBank còn mua 50 tỷ trái phiếu của Trung Dũng phát hành dưới sự bảo lãnh thanh toán 5 năm của BIDV. Đến tháng 7/2014, BIDV đã thực hiện bảo lãnh thanh toán cho MBBank gốc trái phiếu là 50 tỷ, Công ty Trung Dũng còn nợ MBBank 4,34 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu.
Kết quả điều tra và các tài liệu do MBBank cung cấp đến nay xác định MBBank không có khả năng thu hồi khoản nợ 477,82 tỷ đồng; các khoản vay còn dư nợ hiện nay không còn tài sản đảm bảo do MBBank nhận tài sản thế chấp là quyền đòi nợ của Công ty Trung Dũng đối với Công ty Hà Nam, với hậu quả như hiện nay, thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc cho vay.
Xét thấy trong trường hợp có hậu quả thiệt hại xảy ra đối với MBBank sẽ ảnh hưởng đến tài sản của Bộ Quốc phòng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an chuyển thông tin và tài liệu đến Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Tìm hiểu được biết, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) thành lập ngày 31/8/2000, trụ sở chính tại số 425 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Công ty do ông Đoàn Hồng Dũng (sinh năm 1961) làm giám đốc.
Trước đây, căn cứ Báo cáo tài chính quý III/2018 của Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) cho thấy có khoản phải thu ngắn hạn từ Công ty Trung Dũng gần 252 tỉ đồng. Đặc biệt, toàn bộ khoản phải thu này đều là nợ xấu của TISCO khó có khả năng thu hồi từ năm 2015.
Khoản phải thu ngắn hạn từ Công ty Trung Dũng (Báo cáo tài chính quý III/2018). |
Ngược lại, Công ty Trung Dũng là cổ đông lớn của TISCO kể từ khi công ty lên UPCoM vào năm 2012, với tỷ lệ sở hữu 17,45% vốn điều lệ, ứng với 32,1 triệu cổ phiếu (chỉ sau Tổng Công ty Thép Việt Nam - Vnsteel nắm 65%). Đồng thời Trung Dũng cũng là một trong những khách hàng lớn của TISCO.
Công ty Trung Dũng cũng có quan hệ khá thường xuyên với BIDV chi nhánh Hà Thành. Trong đó sử dụng nhiều ô tô sang và lượng lớn cổ phiếu TISCO để thế chấp vay vốn ngân hàng. Mặt khác, TISCO cũng có mối quan hệ tín dụng mật thiết với BIDV. Thời ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV giai đoạn 2008 - 2016, TISCO vay BIDV hàng nghìn tỉ đồng.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.
Ánh Dương (T/H)
Theo