(Xây dựng) - Nhận thức được tiềm năng và nhiều lợi thế lớn tới từ vị trí địa lý, tỉnh Lai Châu đã và đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại biên giới, nhằm phát huy tối đa các lợi thế mà kinh tế cửa khẩu đem lại cho địa phương.
Cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu. |
Lai Châu đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại biên giới
Tỉnh Lai Châu là một trong 10 tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta, nơi đây có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại, xuất nhập khẩu, kinh tế cửa khẩu.
Lai Châu sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biên mậu với đường biên giới dài trên 265 km giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tỉnh có 1 cửa khẩu quốc tế là Ma Lù Thàng, 01 cặp cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng và 06 lối mở.
Thời gian vừa qua, tỉnh Lai Châu cũng đã và đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại biên giới, nhằm phát huy tối đa các lợi mà thế kinh tế cửa khẩu đem lại cho địa phương.
Thực hiện Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 31 tháng 3 năm 2021, tỉnh Lai Châu đã ban hành kế hoạch số 773/KH-UBND, trong đó, tỉnh đã đề ra mục tiêu kế hoạch thúc đẩy hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới của tỉnh với các tỉnh Tây Bắc và với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nhằm thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các cửa khẩu, lối mở biên giới; tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương biên giới trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân biên giới, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật an toàn xã hội khu vực biên giới.
Tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu - cụm công nghiệp cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhóm nhiệm vụ tăng cường các yếu tố thúc đẩy được chỉ ra trong Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, theo phê duyệt quy hoạch, tỉnh cũng sẽ xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng trở thành một động lực phát triển kinh tế của tỉnh Lai Châu, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, phát huy vai trò là cửa ngõ thông thương giữa các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng; mở thêm một cửa khẩu song phương tại huyện Mường Tè.
Chợ biên giới đang phản ánh nhu cầu của đông đảo nhân dân
Là một trong những khu vực biên giới có số lượng lớn các chợ biên giới đang hoạt động (cả Việt Nam và Trung Quốc), Lai Châu đang thể hiện rõ nhu cầu lớn trong việc giao thương buôn bán, phát huy tối đa các lợi mà thế kinh tế cửa khẩu đem lại cho địa phương. Đây cũng là một trong những cơ sở để việc phát triển hạ tầng thương mại biên giới được quan tâm, chú trọng.
Khung cảnh chợ phiên Sì Choang (xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ) đông vui, nhộn nhịp. (Ảnh minh hoạ) |
Hiện nay, có 7 chợ biên giới đang hoạt động trong khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Về phía Việt Nam, có 3 chợ bao gồm: Chợ Dào San, (xã Dào San, huyện Phong Thổ), đây là chợ truyền thống, được xây dựng bán kiên cố, hình thành từ lâu do nhu cầu trao đổi, buôn bán hàng hóa, các sản phẩm, vật phẩm, nông sản địa phương.
Chợ hoạt động theo hình thức chợ phiên, thời gian họp chợ vào chủ nhật hàng tuần. Số lượng thương nhân thường xuyên kinh doanh buôn bán tại chợ lên tới 60 điểm kinh doanh; Thứ hai là chợ Gia Khâu (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ), chợ cách đường biên giới khoảng 950m, đây là chợ truyền thống hoạt động theo hình thức chợ phiên, thời gian họp chợ vào ngày Sửu, Mùi âm lịch (con Trâu, Dê) trong tháng. Thương nhân thường xuyên kinh doanh buôn bán tại chợ với 20 điểm kinh doanh; Thứ ba là chợ Sì Choang (xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ) với 53 điểm kinh doanh được thương nhân thường xuyên kinh doanh buôn bán.
Chợ Dào San, (xã Dào San, huyện Phong Thổ) với số lượng thương nhân thường xuyên kinh doanh buôn bán tại chợ lên tới 60 điểm kinh doanh. (Ảnh minh hoạ) |
Về phía Trung Quốc, có 4 chợ biên giới đang hoạt động, bao gồm: Chợ Nà Phà (Trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình Trung Quốc), cách đường biên giới khoảng 500 mét).
Số lượng thương nhân thường xuyên kinh doanh buôn bán tại chợ khoảng 60 điểm kinh doanh, trong đó, số lượng người Việt Nam xuất nhập cảnh qua biên giới để vào chợ là 800 - 850 lượt người/phiên; Thứ hai là chợ Cửa Cải (Trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, Trung Quốc), chợ cách đường biên giới khoảng 30 mét; Thứ ba là chợ Dền Suối Thàng (Trấn Kim Hà, huyện Kim Bình, Trung Quốc) với số lượng thương nhân thường xuyên kinh doanh buôn bán tại chợ là khoảng 30 điểm kinh doanh. Thứ tư là chợ Bình Hà (xã Bình Hà, huyện Lục Xuân, Trung Quốc), chợ hoạt động theo hình thức chợ phiên (12 ngày/phiên) và số lượng người Việt Nam qua lại biên giới để vào chợ là khoảng 100 - 150 lượt người/phiên.
Để đảm bảo quản lý địa bàn có hoạt động của các điểm chợ biên giới và tiếp giáp các điểm chợ biên giới của phía đối diện, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu thường xuyên theo dõi, chỉ đạo công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các đồn Biên phòng, chủ động xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng, triển khai tổ chức tuần tra.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về quy hoạch và thiết lập, mở mới các khu (điểm) chợ trên địa bàn tỉnh Lai Châu, ngày 11/7/2023, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Công văn số 2588/UBND-KTN về việc triển khai các thủ tục thiết lập khu (điểm) chợ biên giới, theo đó nhất trí chủ trương thiết lập 05 khu (điểm) chợ trên tuyến biên giới tỉnh Lai Châu là: Cửa khẩu Ma Lù Thàng (xã Ma Li Pho), Pô Tô (xã Huổi Luông), Gia Khâu (xã Sị Lở Lầu), Sì Choang (xã Vàng Ma Chải), huyện Phong Thổ và khu vực cột Mốc số 17, xã Mù Cả, huyện Mường Tè. Các khu, điểm chợ biên giới mới sẽ đáp ứng các nhu trong việc giao thương buôn bán của người dân hai bên biên giới, qua đó góp phần phát huy tối đa các lợi mà thế kinh tế cửa khẩu đem lại cho địa phương.
Huyền Nhi
Theo