(Xây dựng) - Trong năm 2021, với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Xây dựng vẫn chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng.
Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến nội dung các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. |
Chủ động hoàn thiện hệ thống pháp luật xây dựng
Ngay từ đầu năm, Bộ Xây dựng đã chủ động ban hành Chương trình hành động của ngành Xây dựng triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; đã cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện, đơn vị thực hiện, thời gian hoàn thành các nhiệm vụ. Trong năm có 02 dự thảo Luật sửa đổi lớn thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng đang được triển khai lập, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng là Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để trình Chính phủ thông qua.
Thời gian qua, việc nâng cao chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng. Để triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án; ban hành Kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước; ban hành Kế hoạch kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, đã quy định cụ thể kế hoạch, đơn vị thực hiện, thời gian hoàn thành các nhiệm vụ. Các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng đã bám sát các Chương trình, Kế hoạch công tác, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của các công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng), trong quá trình xây dựng, ban hành và tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ luôn tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là việc kiểm tra văn bản theo thẩm quyền đối với các văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành đã giúp các địa phương phát hiện và kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa thống nhất, chưa phù hợp với các văn bản do Trung ương ban hành. Theo đó, thông qua hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng tại địa phương.
Trong năm 2021, việc triển khai các nhiệm vụ để nâng cao Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật của Bộ Xây dựng tiếp tục có những bước tiến quan trọng. Các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền được nâng cao chất lượng, có nhiều nội dung đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Xây dựng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Trong báo cáo mới đây của Vụ Pháp chế, cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình cải thiện chỉ số chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, vẫn còn văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết, gây lúng túng trong một số công việc quản lý Nhà nước ở địa phương.
Mặt khác, việc theo dõi, đánh giá tác động của pháp luật, chính sách trong thực tiễn thi hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định pháp luật đôi lúc chưa kịp thời. Việc tổ chức một số Đoàn kiểm tra tình hình thực hiện, theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại một số địa phương chưa được triển khai đầy đủ theo Kế hoạch.
Theo bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhận định: Những tồn tại, hạn chế trên do một số nguyên nhân như hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản, phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng… liên quan đến nhiều chủ thể và chịu tác động trực tiếp của các yếu tố kinh tế - xã hội, trong khi quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự mở cửa và hội nhập quốc tế đã đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật ngành Xây dựng.
Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, nhà ở, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản… có nội dung rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong khi sự phối hợp tham gia soạn thảo, góp ý đôi khi chưa chặt chẽ, khoa học, chưa thực sự hiệu quả, chưa bảo đảm thời gian theo yêu cầu.
Mặt khác, nguyên nhân về việc bảo đảm kinh phí, vật chất, nhân lực phục vụ công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật còn gặp khó khăn, chưa phù hợp với thực tế, chưa bảo đảm để triển khai đầy đủ, hiệu quả các hoạt động tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động chính sách, soạn thảo văn bản... theo quy định, chưa có chính sách phù hợp để thu hút được nguồn lực xã hội tham gia. Và trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài dẫn đến việc một số Đoàn kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện, thi hành pháp luật tại địa phương chưa đúng theo kế hoạch đề ra.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) Tống Thị Hạnh xác định việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. |
Giải pháp để cải thiện chỉ số chất lượng
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Trong văn bản gửi Bộ Tư pháp mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra các kiến nghị để nâng cao chỉ số cải thiện chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật. Đối với Chính phủ thì cần sớm ban hành cơ chế bảo đảm và tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật theo Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Các Bộ: Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định, cơ chế hỗ trợ kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng pháp luật, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Sớm hoàn thiện phần mềm hỗ trợ kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được nhanh chóng, kịp thời.
Đồng thời, cũng có các đề xuất về cơ chế chính sách thu hút những người có tầm nhìn và năng lực tham mưu, hoạch định chính sách pháp luật để thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; cơ chế, chính sách, trách nhiệm phối hợp của các Bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Các địa phương cũng phải tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chủ động rà soát, kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại địa phương.
Việc cải thiện chỉ số chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật là một trong những giải pháp quan trọng tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp và tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Hà Khánh
Theo