(Xây dựng) – Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định xử phạt hành chính số 3548/QĐ-XPHC đối với ông Nguyễn Xuân Hương, chủ cơ sở Linh Kỳ Mộc đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, đưa công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy với số tiền phạt 45 triệu đồng.
Cổng phụ mới được xây dựng của khu vui chơi, ẩm thực dưới danh nghĩa trang trại cá – lúa. |
Ngày 18/8, Báo điện tử Xây dựng có bài viết “Thanh Hóa: Trang trại cá – lúa biến thành điểm kinh doanh dịch vụ” phản ánh về trang trại sản xuất cá – lúa (phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa) nhưng lại được đầu tư kinh doanh ẩm thực, vui chơi. Hoạt động đầu tư, kinh doanh tại đây kéo dài đã gần 10 năm, không được xử lý dứt điểm, gây bất bình trong dư luận.
Mới đây, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và đề nghị của Công an tỉnh Thanh Hóa (kèm Biên bản kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn ngày 15/8 tại cơ sở Linh Kỳ Mộc), ngày 28/8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 3548/QĐ-XPHC đối với ông Nguyễn Xuân Hương, chủ cơ sở Linh Kỳ Mộc. Cụ thể, chủ cơ sở đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, đưa công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy với số tiền phạt 45 triệu đồng.
Quyết định xử phạt của UBND tỉnh Thanh Hóa. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ngoài vi phạm trên, còn có hàng loạt vấn đề khác cần được các cấp chính quyền thành phố, tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, làm rõ. Đó là các công trình trên có phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố, phù hợp với mục đích sử dụng đất (sản xuất nông nghiệp), đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng chưa? Nếu chưa được kiểm tra, làm rõ thì trách nhiệm quản lý của các cấp, ngành có thẩm quyền của UBND thành phố Thanh Hóa và phường Quảng Thịnh ở đâu?
Cần phải nhắc lại, tháng 5/2018, UBND thành phố đã có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy thành phố về “Kết quả kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất của hộ ông Nguyễn Xuân Hương tại trang trại tổng hợp cá – lúa phường Quảng Thịnh”. Báo cáo nêu rõ, năm 2014, UBND thành phố đã cho ông Hương thuê hơn 70.000m2 đất để sản xuất nông nghiệp. Thời điểm bàn giao, ngoài diện tích hơn 70.000m2, khu đất còn có 250m2 đất ở ông Hương mua lại của người dân liền kề. Về hiện trạng gồm 3 chuồng chăn nuôi lợn, bò, gà, vịt, rộng 1.300m2, nhà kho phục vụ chăn nuôi 326m2, hệ thống ao cá, chuồng nuôi vịt trời hơn 28.000m2, khu trồng lúa, rau, hoa khoảng 12.000m2, đất trồng cây xanh, cây ăn quả trên 28.000m2, 5 nhà chòi trên ao…
Cũng theo báo cáo này, sau khi tiếp nhận, ông Hương đã đầu tư, cải tạo ao hồ, chuồng trại chăn nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế nông nghiệp cao hơn. Đáng chú ý, cũng theo báo cáo thì ông Hương “đã cải tạo 2 nhà phía Tây từ nhà cũ. Trong đó, 1 nhà làm nơi dừng chân cho khách tham quan, 1 nhà bảo tàng gốm Tam Thọ. Ngoài ra, dựng thêm 5 nhà chòi bằng tre, mái kè, hệ thống cầu trên hồ nối các chòi câu cá thư giãn bằng cột bê tông với diện tích 113m2 để phục vụ mục đích thương mại; cải tạo nhà 2 tầng, diện tích 316m2 để phục vụ mục đích thương mại. Sau khi “biểu dương” chủ đầu tư đã “mang lại hiệu quả kinh tế nông nghiệp ao hơn”, báo cáo kết luận: “Trong quá trình sử dụng đất, ông Hương đã sử dụng sai mục đích một phần diện tích 327,8m2 vào mục đích kinh doanh ẩm thực, không đúng mục đích được thuê. Ngoài ra, việc kinh doanh ăn uống chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”.
Một số con cừu được nuôi nhốt trong khu chăn nuôi của trang trại. |
Tiếp đó, ngày 25/8/2018, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị thành phố đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng tại đây. Với các vi phạm gồm “Cải tạo nhà kho 2 tầng diện tích 214m2; cải tạo nhà sàn cũ làm nơi trưng bày gốm, diện tích 460m2; xây dựng quầy lưu niệm kiên cố, dựng 5 chòi trên ao tổng diện tích 119m2. Hoạt động xây dựng, cải tạo trên chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép”.
Căn cứ biên bản trên, ngày 29/6/2018, UBND thành phố Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Hương số tiền 15 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu ông Hương trong vòng 60 ngày phải làm thủ tục cấp phép xây dựng. Hết thời hạn trên, nếu không có giấp phép xây dựng, ông Hương sẽ buộc phải tháo dỡ các công trình trên.
Mặc dù quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND thành phố đã nêu rõ biện pháp khắc phục như trên. Nhưng cho đến nay, tại khu trang trại cá – lúa này, những công trình vi phạm không những không bị tháo dỡ, mà còn xuất hiện thêm hàng loạt công trình, hạng mục mới, trong đó có cả những công trình đang được thi công xây dựng để phục vụ nhu cầu của du khách.
Một trong những hạng mục công trình mới đang được thi công hoàn thiện tại Linh Kỳ Mộc. |
Đáng chú ý hơn, để nắm thêm thông tin về việc xử lý của chính quyền, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã nhiều lần liên hệ, làm việc với các phòng, ban chuyên môn của thành phố. Nhưng qua làm việc, trao đổi, các phòng, ban này vẫn không cung cấp thêm được bất cứ thông tin, văn bản nào liên quan đến vụ việc.
Việc không cung cấp được thêm tài liệu, chứng cứ về xử lý sai phạm tại cơ sở này phải chăng là do suốt từ giữa năm 2018 đến nay, UBND thành phố đã “làm ngơ”, không quan tâm đến những vi phạm của chủ đầu tư, để mặc cho ông Nguyễn Xuân Hương tha hồ “tự tung tự tác”, muốn làm gì thì làm? Qua đó, chủ đầu tư từng bước biến khu trang trại cá – lúa thành Làng ẩm thực Xứ Thanh và Khu du lịch sinh thái Linh Kỳ Mộc.
Khu chuồng trại chăn nuôi bỏ hoang lâu ngày đã xuống cấp. |
Hành vi vi phạm công khai, có hệ thống của ông Nguyễn Xuân Hương đã khiến dư luận bức xúc, bất bình. Đồng thời đặt ra câu hỏi: Tại sao ông Hương lại có thể dễ dàng “biến” trang trại sản xuất nông nghiệp thành khu kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí bề thế, quy mô ngay tại thành phố mà không bị kiểm tra, xử lý theo đúng quy định?
Đào Nguyên
Theo