(Xây dựng) - Với triết lý hạ tầng giao thông phải luôn đi trước một bước, trong chiến lược liên kết vùng của mình, Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ trong 2 năm trở lại đây đã trở thành “ngôi sao sáng” trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Địa phương này còn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước “chọn mặt gửi vàng” nhiều nhất trong nhóm tứ giác phát triển gồm: Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương - Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đường kết nối Biên Hòa đến Quốc lộ 51. |
Tận dụng cơ chế đặc thù Vùng Đông Nam bộ
Tại Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ lần thứ 4 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, Bộ KH-ĐT đang xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành và địa phương.
Đặc biệt, Bộ KH-ĐT đang xây dựng dự thảo Báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù các vùng kinh tế-xã hội và đang gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành và các địa phương với mục tiêu: Xác định chính sách phù hợp, hiệu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng diện áp dụng thí điểm. Xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng. Thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, đầu tư; thí điểm áp dụng một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các vùng và cả nước.
Trong đó, ngoài các nhóm chính sách, cơ chế đề xuất áp dụng chung cho các vùng trong cả nước, riêng Vùng Đông Nam bộ đề xuất một số nhóm chính sách, cơ chế đặc thù riêng biệt như: Chính sách về nâng mức dư nợ vay ngân sách địa phương của các địa phương trong vùng Đông Nam bộ; Chính sách về phát triển khu công nghiệp; Chính sách về tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp; Chính sách về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược…
Còn theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ những bài học đi trước của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, địa phương tận dụng những lợi thế có sẵn để thực hiện nhiều quy hoạch kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ phát triển, trong đó luôn bám sát mục tiêu hạ tầng giao thông phải luôn đi trước một bước. “Trong hơn 10 năm qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện đầu tư hàng loạt dự án giao thông, càng biển quy mô khá lớn. Từ đó, tỉnh đã tạo được lợi thế cạnh tranh lớn so với một số địa phương lân cận thuộc Vùng Tứ giác phát triển”, ông Thọ cho biết thêm.
Đường ven biển kết nối Vũng Tàu - Bình Thuận. |
Kết quả, trong tháng 8/2024 tỉnh đã cấp mới 6 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 108,5 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 1 dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm 9,21 triệu USD; lũy kế 8 tháng của năm 2024 đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 41 dự án, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1.874,45 triệu USD, đạt 93,7% kế hoạch năm 2024 (2 tỷ USD), tăng gấp 3,35 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng trong tháng 8/2024, tỉnh đã cấp mới 1 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 215 tỷ đồng; điều chỉnh 3 dự án với vốn đăng ký tăng thêm đạt 150,26 tỷ đồng; giảm vốn 1 dự án với số vốn giảm 16,28 tỷ đồng; lũy kế 8 tháng của năm nay đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho cho 21 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 27.751 tỷ đồng, đạt 134,4% so với kế hoạch, tăng gấp 2,98 lần so với cùng kỳ.
Những dự án giao thông động lực
Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030 ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng, hạ tầng cho phát triển kinh tế biển để phát huy vai trò là trung tâm dịch vụ cảng biển, logistics. Mục tiêu của tỉnh là đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Đường ven biển Long Hài - Mũi Né. |
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa hoàn tất báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc xây dựng quy hoạch là một khâu quan trọng để dẫn đường cho sự phát triển của địa phương trong thời gian tới. Ngay từ khi xây dựng quy hoạch, tỉnh đã xác định phương châm phát triển là “Đột phá - Năng động - Sáng tạo - Bền vững”, xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, là cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam bộ và của quốc gia.
Trong vai trò là tỉnh có cửa ngõ tiến ra biển, với hệ thống cảng nước sâu, hàng hóa xuất nhập khẩu được tập trung đưa về đây. Bà Rịa - Vũng Tàu xác định quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn. Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng, hạ tầng cho phát triển kinh tế biển, hạ tầng các khu công nghiệp để tạo không gian phát triển mới.
Chính vì vậy, một loạt tuyến đường vành đai, tuyến cao tốc được đưa vào quy hoạch, như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường ven biển nối thông suốt Bà Rịa – Vũng Tàu với Bình Thuận, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đường ven biển ĐT994. Những tuyến đường này đã được tỉnh lên kế hoạch xây dựng trong thời gian tới.
Đến nay, dự án thành phần 3 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 qua địa bàn tỉnh được triển khai đúng tiến độ. Dự án đã hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, đang tổ chức 15 mũi thi công, khối lượng đạt khoảng 55% giá trị công trình. Năm 2024, dự án đã được bố trí 1.187 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, đã giải ngân 650 tỷ đồng, đạt 55%.
Nút giao Biên Hòa - Vũng Tàu. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 kết nối với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Dự án còn giúp giảm tải, phá thế độc đạo của tuyến Quốc lộ 51 hiện hữu. Khi công trình đưa vào hoạt động, thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bà Rịa dự kiến chỉ còn 70 phút thay vì 150 phút như hiện nay.
Còn ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm, giúp hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc Việt Nam về phía Đông, giúp tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông ở vùng Đông Nam bộ, vùng đóng góp đến 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, 45% tổng thu ngân sách, hơn 30% GDP, có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần mức bình quân chung cả nước. Với tầm quan trọng như vậy, tỉnh đã và đang tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, mọi nguồn lực có thể, phấn đấu hoàn thành dự án vào dịp 30/4/2025”.
Để tạo sự liền mạch giữa cao tốc với hệ thống giao thông hiện hữu, tạo thành tuyến thông suốt từ Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đến thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường kết nối với tổng vốn đầu tư hơn 13.900 tỷ đồng. Cụ thể, đoạn từ nút giao Quốc lộ 56 (thành phố Bà Rịa) đến nút giao Vũng Vằn (huyện Long Điền) dài 6,71km, quy mô đường cao tốc đô thị và đường song hành, vốn đầu tư 6.700 tỷ đồng.
Đoạn từ nút giao Vũng Vằn đến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT 994), phường 12, thành phố Vũng Tàu dài hơn 6,8km, quy mô đường cao tốc đô thị và đường song hành. Tổng kinh phí được phê duyệt gần 5.200 tỷ đồng.
Đoạn từ nút giao với đường ven biển ĐT994 đến điểm cuối tuyến kết nối vào đường 2/9 (cách vòng xoay Cửa Lấp 570m), thành phố Vũng Tàu. Dự án này nằm trong dự án đường trục chính Vũng Tàu. Tổng chiều dài 2,87km, vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Với dự án đường Vành đai 4, Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Báo cáo từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy, tổng chiều dài tuyến Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh gần 207km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chiều dài tuyến 18,23km. Điểm đầu tuyến tại ngã tư Tóc Tiên-Châu Pha khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và ĐT992, cách đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu khoảng 230m; điểm cuối trên địa phận huyện Châu Đức (giáp ranh với Đồng Nai) tiếp nối với dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Minh Tú
Theo