(Xây dựng) - Dự án Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Kon Tum tổ chức đấu giá có nhiều sai phạm, do đó Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân làm sai quy định, đồng thời đề nghị thu hồi hơn 13 tỷ đồng.
Khu vực thuộc Dự án Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla, thành phố Kon Tum. |
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm, tồn tại thuộc Dự án Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla, cụ thể:
Tỉnh Kon Tum giao đơn vị Nhà nước thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, sau đó tổ chức đấu giá đất là chủ trương đúng nhưng quá trình thực hiện, UBND tỉnh quyết định đầu tư dự án nhưng không tập trung nguồn lực, không phân kỳ đầu tư, không chia giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng cho từng khu vực để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho phù hợp với tình hình thực tế đã dẫn đến thời gian kéo dài, làm hạn chế hiệu quả đầu tư; cho phép triển khai đấu giá đất ồ ạt, dàn trải toàn bộ dự án khi chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, dẫn đến nhiều cuộc đấu giá có số lượng người tham gia rất ít, hiệu quả thấp, tỷ lệ tăng sau đấu giá bình quân đạt 3,42%.
Việc thành lập Hội đồng đấu giá không đúng quy định Luật Đất đai 2013, Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP; hình thức đấu giá trong Phương án và Quy chế đấu giả không thống nhất, quá trình tổ chức thực hiện đấu giá tại các cuộc đấu giá không tuân thủ các quy định trong Phương án và Quy chế đấu giá đã được phê duyệt; sử dụng 01 Chứng thư thẩm định giá từ năm 2013 (hết thời hạn) và Quyết định phê duyệt giả khởi điểm năm 2014 để tổ chức đấu giá trong 04 năm (2014 đến 2017) có nguy cơ làm thất thu ngân sách với số tiền lớn do giá khởi điểm thấp, không sát giá thị trường, tạo điều kiện cho việc đầu cơ đất đai của một số cá nhân, tổ chức; cho phép nộp tiền sử dụng đất thành nhiều đợt, giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất..., là không đúng quy định của pháp luật; 379 hồ sơ đấu giá QSDĐ cho phép nộp tiền nhiều lần (8 đợt; 4 đợt; 3 đợt), tạo cơ hội để người trúng đấu giá chậm nộp tiền trúng đấu giá, không phát huy được hiệu quả kinh tế của đấu giá đất.
Xem xét điểm 45/379 hồ sơ đấu giá QSDĐ (21 hộ gia đình, cá nhân; 24 doanh nghiệp) cho phép nộp tiền nhiều lần (8 đợt; 4 đợt; 3 đợt) được thực hiện trong giai đoạn 2014-2017 thấy: UBND tỉnh ban hành văn bản hành chính (số 320/UBND-KTN ngày 14/02/2015 do Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Hải ký) để điều chỉnh Quyết định hành chính (số 87/QĐ-UBND ngày 10/02/2015), là không đúng quy định về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nhiều hồ sơ chậm nộp tiền trúng đấu giá vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Quy chế đấu giá tài sản số 01/QC-HĐĐG ngày 13/02/2015, cá biệt có một số trường hợp trong các đợt nộp tiền chậm nộp từ 01 đến 03 năm (tập trung tại hồ sơ đấu giá của doanh nghiệp: Công ty TNHH Tuấn Dũng...), đủ điều kiện hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc nhưng Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh không tham mưu xử lý theo quy định.
Một góc Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla (Ảnh facebook). |
Theo báo cáo giải trình của UBND tỉnh Kon Tum, xét tình hình kinh tế - xã hội và điều kiện thực tế của địa phương, Thanh tra Chính phủ không kiến nghị hủy kết quả đấu giá, thu hồi tiền đặt cọc của 21 hồ sơ là các hộ gia đình, cá nhân do khó có khả năng thực hiện nhưng cần phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm sai quy định; đối với 24 hồ sơ do các doanh nghiệp tham gia đấu giá cần phải được xử lý, thu hồi tiền về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ số tiền là 13.751,82 triệu đồng, trong đó: tiền đặt cọc là 4.923 triệu đồng và tiền phạt chậm nộp theo quy định tại Điều 18 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, khoản 1 Điều 106 Luật Quản lý thuế 2006 là 8.828,82 triệu đồng.
Bá Tứ - Phi Long
Theo