(Xây dựng) - Ngày 22/6 tới đây, huyện Yên Bình (Yên Bái) sẽ tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Huyện Yên Bình là đơn vị thứ hai của tỉnh Yên Bái được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. |
Huyện Yên Bình nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh Yên Bái, có nhiều lợi thế so sánh về vị trí địa lý, là đầu mối giao thông, giao lưu kinh tế quan trọng của tỉnh Yên Bái với tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai và Thủ đô Hà Nội. Huyện có 24 đơn vị hành chính gồm 22 xã và 2 thị trấn, trong đó có 16 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 23 thôn đặc biệt khó khăn. Diện tích đất tự nhiên trên 77.000ha, dân số hơn 11,4 vạn người gồm 5 dân tộc anh em Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao Lan đoàn kết sinh sống ở 22 xã và 2 thị trấn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 48%.
Huyện Yên Bình có một lợi thế đặc biệt là sở hữu vùng hồ Thác Bà rộng lớn, đây là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hình thành khi xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà với diện tích 23.400ha. Hồ Thác Bà được công nhận là Di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia từ tháng 9/1996 và hồ Thác Bà sẽ trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế vào năm 2040 theo Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Bình gặp nhiều khó khăn, bất lợi trong xây dựng nông thôn mới do là huyện miền núi vùng thấp, địa hình chia cắt mạnh, còn nhiều xã đặc biệt khó khăn (năm 2011 có 6 xã), xuất phát điểm các tiêu chí nông thôn mới thấp, bình quân đạt 4,8 tiêu chí/xã. Quy mô kinh tế nhỏ, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, hạn chế; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khá cao, thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (năm 2011 là 26,7%).
Trong giai đoạn 2011-2023, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng nhiều chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, của huyện, huy động toàn thể hệ thống chính trị - xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới, kinh tế - xã hội trong những năm qua của huyện Yên Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2023, cơ cấu ngành công nghiệp, xây dựng ước đạt 54%, dịch vụ ước đạt 26%, nông lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 20%, thu nhập bình quần đầu người trên 53,29 triệu đồng. Thu ngân sách luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch giao, năm 2023 đạt 377,3 tỷ đồng tăng gấp 6,4 lần so với năm 2011.
Văn hóa, xã hội được quan tâm chăm lo, có nhiều tiến bộ, trường học, trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực đạt chuẩn quốc gia; trung tâm y tế huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện đa khoa hạng II, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa kiên cố, khang trang được trang bị đủ thiết bị và có mạng wifi tốc độ cao; công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát được thực hiện tốt, giá trị lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, phát huy; hộ nghèo năm 2022 là 2.461 hộ, chiếm 8,11%; cận nghèo 1.280 hộ, chiếm 4,21%; năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện còn 7,5%, trong đó 1.396 hộ nghèo, chiếm 4,52%; 920 hộ cận nghèo, chiếm 2,98%.
Hoạt động dịch vụ, du lịch được chú trọng phát triển, từng bước khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm năng vào khảo sát, triển khai dự án đầu tư phát triển du lịch vùng hồ, như: Tập đoàn Alphanam, Tập đoàn Sungroup, Công ty Cổ phần Flamigo Holding Group...
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ huyện được nâng lên. Bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được đổi mới và ngày càng tinh gọn, sức mạnh khối đại đoàn kết được củng cố tăng cường; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội…
Qua 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với tổng nguồn lực huy động thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới đạt gần 3.402.738 triệu đồng (bao gồm kinh phí thực hiện các tiêu chí xây dựng cơ bản, hỗ trợ phát triển sản xuất, công tác đào tạo nghề...), trong đó, ngân sách Trung ương là 268.399 triệu đồng, chiếm 7,8%; ngân sách tỉnh 657.386 triệu đồng, chiếm 19,3%; ngân sách huyện: 559.667 triệu đồng, chiếm 16,4%; còn lại là vốn từ các chương trình, dự án khác, vốn tín dụng, vố doanh nghiệp và các nguồn huy động đóng góp khác.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Bình đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, quyết tâm tập trung chỉ đạo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 17 thôn kiểu mẫu và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Trên địa huyện Yên Bình đang diễn ra các hoạt động thiết thực, ý nghĩa để chuẩn bị đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 và quyết định Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Ngọc Giang Sơn
Theo