(Xây dựng) – Di tích lịch sử Bến Âu Lâu thuộc tỉnh Yên Bái, từng là điểm trung chuyển vũ khí, lương thực… qua sông trong các chiến dịch đánh thực dân Pháp, góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong thời gian tới, nhằm giữ gìn và bảo tồn, phát huy truyền thống yêu nước, tỉnh Yên Bái tiếp tục tu bổ, mở rộng Di tích lịch sử Bến Âu Lâu.
Bia Di tích lịch sử Bến Âu Lâu. |
Di tích lịch sử Bến Âu Lâu nằm bên đôi bờ sông Thao (còn gọi là sông Hồng), bờ tả ngạn thuộc tổ dân phố Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc, bờ hữu ngạn thuộc thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Từ xa xưa, Bến Âu Lâu chỉ là một bến đò nhỏ qua lại của người dân đôi bờ, dần dần trở thành điểm nối lớn nhất và thuận tiện nhất từ phía Nam với miền Tây tỉnh Yên Bái nói riêng và Tây Bắc nói chung. Đặc biệt, từ năm 1951 đến 1954, Bến Âu Lâu thành điểm trung chuyển hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm và hàng trăm nghìn lượt người qua sông vào miền Tây Bắc trong các chiến dịch đánh thực dân Pháp, góp phần làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Bên bờ hữu ngạn Bến Âu Lâu. |
Với những thành tích, chiến công được ghi nhận trong những năm kháng chiến hào hùng của dân tộc, di tích Bến Âu Lâu đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 3027/QĐ- BVHTTDL ngày 07/8/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nhằm gìn giữ, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa và phát huy truyền thống yêu nước của nhân dân tỉnh Yên Bái, đồng thời tạo điểm nhấn phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái, ngày 22/11/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 2279/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Tu bổ Di tích lịch sử Bến Âu Lâu, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, tổng mức kinh phí đầu tư là 14.999.000.000 đồng, trong đó chi phí xây dựng là 11.967.606.264 đồng.
Khu vực phía Nam Di tích lịch sử Bến Âu Lâu. |
Quy mô đầu tư xây dựng mới cảnh quan của khu Di tích lịch sử Bến Âu Lâu, phục dựng một số hạng mục di tích, hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến di tích. Với diện tích 671m2, khu vực phía Bắc di tích có các hạng mục, gồm bia di tích, đường dạo, cây xanh, thảm cỏ và hệ thống đèn chiếu sáng; khu vực phía Nam di tích có 580m2, gồm có phù điêu, cổng, sân chơi, vườn hoa, cây xanh, hệ thống đèn Led 200W (IP67); khu bến có cổng, bốt gác (nhà bảo vệ), đường xuống bến, sân bến, trong đó cổng, bốt gác (nhà bảo vệ) được phục dựng như ảnh tư liệu di tích.
Trong các hạng mục được xây dựng mới và phục dựng, nổi bật nhất là bức phù điêu với diện tích xây dựng 41m2, kinh phí xây dựng trên 1.133.500.000 đồng. Mẫu phác thảo phù điêu là của nhóm tác giả họa sỹ Nguyến Đình Thi - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái và họa sỹ Nguyễn Mạnh Hào, đơn vị thi công là Công ty Mỹ thuật Trung ương. Đế phù điêu cao 0,75m; tường phù điêu cao trung bình 2,5m, (vị trí cao nhất là 3m, vị trí thấp nhất là 2m), chiều dài phù điêu là 12m; kết cấu thân phù điêu bằng bê tông cốt thép M200, móng cọc bê tông cốt thép M250.
Ngắm nhìn bức phù điêu, người xem có thể được hình dung, tái tạo lại một cách sinh động những hình ảnh cùng các hoạt động đậm chất anh hùng ca cách mạng của quân và dân ta như: Tải lương, kéo pháo, cầu phao, thuyền bè vượt sông, phục vụ các chiến dịch và lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm Đờ-cát, kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, kết thúc bằng Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vang dội khắp thế giới, năm châu.
Bức phù điêu tái hiện các hoạt động tải lương - kéo pháo - cầu phà vượt sông phục vụ kháng chiến. |
Ông Lương Thanh Hải - Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Yên Bái phấn khởi cho biết: “Công trình tu bổ Di tích lịch sử Bến Âu Lâu đã hoàn thành các hạng mục, đúng thiết kế, đảm bảo chất lượng và vượt tiến độ thời gian thực hiện dự án, theo quy định của Quyết định 2279/QĐ-UBND ngày 22/11/2022 của UBND tỉnh, tiến độ thời gian thực hiện là 3 năm kể từ năm đầu bố trí kế hoạch vốn thực hiện dự án. Bức phù điêu vừa được hoàn thành vào trung tuần tháng 4 vừa qua. Một vấn đề hết sức có ý nghĩa là, công trình tu bổ Di tích lịch sử Bến Âu Lâu cũng là một trong những công trình của thành phố Yên Bái nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung, hướng tới chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”.
Để phát huy giá trị khai thác của Khu Di tích lịch sử Bến Âu Lâu, theo Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong tương lai, Ban sẽ nghiên cứu, đề xuất báo cáo lãnh đạo thành phố, lãnh đạo tỉnh Yên Bái về ý tưởng xây dựng mở rộng thêm khu di tích, khu sinh thái, tổ chức hoạt động du thuyền trên sông để đón du khách về phía bờ bên kia, nơi có di tích Nhà Tằm (thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu), là nơi Ban cán sự Đảng Phú Yên đã họp vào tối ngày 17/8/1945 đề ra chủ trương giành chính quyền ở tỉnh lỵ Yên Bái; nơi đây cũng có Đền Bà Áo Trắng, theo truyền thuyết là ngôi đền cũng rất linh thiêng, được nhiều người dân đến chiêm bái. Thực hiện được ý tưởng này, cùng với khu Di tích lịch sử lăng mộ Nguyễn Thái Học, đền Tuần Quán, chùa Am, Di tích lịch sử Bến Âu Lâu sẽ là điểm đến, thu hút du khách đến tham quan di tích, du thuyền trên sông, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng, tham gia văn hóa ẩm thực với những món ăn đậm đà bản sắc của người dân Yên Bái.
Ngọc Giang Sơn
Theo