Năm tác phẩm "Đường Kách mệnh," "Nhật ký trong tù," Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước và Di chúc của Bác Hồ được công nhận là bảo vật quốc gia.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. (Ảnh: TTXVN) |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho mục tiêu cao cả là giành độc lập, tự do cho Tổ quốc; mang ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam và để lại những giá trị nhân văn, cao quý cho nhân loại.
Trước khi đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng và toàn dân di sản vô giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng ấy được khắc họa trong những tác phẩm, bút tích mà Người để lại và 5 trong số đó được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm tác phẩm "Đường Kách mệnh;" "Nhật ký trong tù" (Ngục trung nhật ký); Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến; Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước và Di chúc.
Đường Kách mệnh
Cuốn sách "Đường Kách mệnh" là tác phẩm tập hợp các bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925-1927.
Những bài giảng đó được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách năm 1927. Đến nay, cuốn sách liên tục được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, phát hành rộng rãi đến đông đảo bạn đọc.
Sách ra đời khi phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản các nước trên thế giới phát triển mạnh mẽ, phong trào giải phóng dân tộc ở trong nước đã xuất hiện nhiều tổ chức yêu nước mang sắc màu chính trị khác nhau.
Với cách viết súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, cuốn sách “Đường Kách mệnh” hàm chứa giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam, trong việc kết hợp phong trào yêu nước với chủ nghĩa Marx, tạo lập các tiền đề tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tác phẩm đã chỉ rõ những quan điểm cơ bản về phương pháp cách mạng Việt Nam trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin và tổng kết kinh nghiệm cách mạng các nước, là tư liệu tham khảo đặc biệt quan trọng, cơ sở lý luận để Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng phương pháp cách mạng phù hợp với tình hình đất nước.
(Ảnh: Vietnam+) |
Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký)
Tháng 8/1942, với danh nghĩa là đại biểu Việt Nam Ðộc lập Ðồng minh và Phái bộ quốc tế chống xâm lược, Bác Hồ từ Cao Bằng sang Trung Quốc để vận động quốc tế ủng hộ cách mạng Việt Nam giành độc lập, nhưng đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ, sau đó giải qua nhiều nhà lao thuộc tỉnh Quảng Tây từ ngày 25/8/1942 đến ngày 19/9/1943.
Mỗi bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” là tiếng lòng của tác giả, khắc họa sâu sắc tâm hồn, những suy nghĩ, tình cảm của Bác trong thời gian bị giam cầm nơi đất khách. Toát lên từ toàn bộ tập thơ là một tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vào ngày mai tươi sáng, ý chí kiên cường, bền bỉ, lòng quyết tâm sắt đá của Người. Bản lĩnh của người chiến sỹ cộng sản, sức mạnh tinh thần lớn lao đã đưa Người vượt qua đày ải, ngục tù, đến với ngày tự do, trở về Tổ quốc, lãnh đạo toàn dân giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Tác phẩm đã trở thành bảo vật quốc gia của Việt Nam, được bạn bè quốc tế ngợi ca và được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Trang bìa cuốn "Ngục trung nhật ký" (Nhật ký trong tù). (Ảnh: Vietnam+) |
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
Sáng 20/12/1946, lời kêu gọi nhân dân cả nước đứng dậy chống thực dân Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam tới khắp mọi miền Tổ quốc: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!..."
Đó là lời hịch cứu nước, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, khơi dậy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất; động viên, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” ra đời cách đây đã 78 năm nhưng ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị. Không chỉ là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, bất khuất và lòng quyết tâm chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến có giá trị lịch sử như một cương lĩnh kháng chiến, mang tính khái quát, chứa đựng những quan điểm cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân, khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh bất khuất của dân tộc nhất định thắng lợi.
(Ảnh: Vietnam+) |
Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước
Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17/7/1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam bước vào giai đoạn ác liệt nhất.
Đây là một văn kiện lịch sử có giá trị như một lời hịch kêu gọi toàn dân tộc đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, củng cố niềm tin để bước vào giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đã thôi thúc hàng triệu con tim, khối óc đồng bào, chiến sỹ hăng hái lên đường đánh giặc, giành độc lập, tự do cho non sông, đất nước.
Trong lời hịch kêu gọi toàn dân có câu: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là động lực tinh thần to lớn thôi thúc lớp lớp thế hệ người Việt Nam lên đường chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” tiếp tục là kim chỉ nam để toàn Đảng, toàn dân ra sức phát triển đất nước, đưa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và giữ gìn bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập.
Trưng bày bức ảnh về câu nói bất hủ của Bác Hồ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. (Ảnh: Vietnam+) |
Di chúc
Một trong những tài sản tinh thần vô cùng quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải kể đến là những tư tưởng của Người qua bản Di chúc mà Người đã để lại cho Đảng và dân tộc Việt Nam.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn bản gốc do Người viết từ ngày 10/5/1965 đến ngày 19/5/1969. Đây là một văn kiện lịch sử, di sản văn hóa vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Bản Di chúc là kết tinh những tinh hoa, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của vị lãnh tụ đã hiến dâng cả cuộc đời mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị thời đại
Giá trị to lớn trong bản Di chúc không chỉ là những lời căn dặn đơn thuần cuối cùng của một người trước lúc đi xa, mà là kết tinh những tinh hoa, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một người đã hiến dâng cả cuộc đời mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, giá trị của bản Di chúc mãi mãi trường tồn, mãi mãi được khắc sâu trong tâm trí của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng, toàn dân./.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1969. (Ảnh: Vietnam+) |
Theo (TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: