(Xây dựng) - Ngày 12/4 tới đây, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai đồng sẽ chủ trì tổ chức, Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Lào Cai phối hợp thực hiện Hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc.
Ảnh minh họa. |
Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao tại Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 19/08/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc; hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Hội nghị có quy mô dự kiến khoảng 300 đại biểu tham dự là Lãnh đạo UBND các địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic…
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu trên khắp cả nước cũng như ở nước ngoài tham gia. Chương trình Hội nghị tập trung bàn thảo về những vấn đề kinh tế trọng yếu của Vùng gồm: Tiềm năng, lợi thế hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng xuất khẩu; Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu những năm tới; Cơ hội thị trường nước ngoài cho các sản phẩm của Vùng; Xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, hiện đại hoá các hoạt động logistics hỗ trợ xuất khẩu, thúc đẩy giao thương biên giới qua các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn; Đưa Sơn La trở thành trung tâm canh tác và chế biến nông sản xuất khẩu của vùng Tây Bắc; Thái Nguyên phát huy vai trò điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao; Tiềm năng, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu một số sản phẩm nông lâm sản chủ lực của tỉnh Yên Bái và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, Hội nghị sẽ trao đổi về: Kết quả hợp tác với Bộ Công Thương xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm vùng Trung du, miền núi phía Bắc trên nền tảng Tiktok; Các hoạt động hợp tác với Bộ Công Thương xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm vùng Trung du, miền núi phía Bắc trên nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com; Các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu năm 2024 của Bộ Công Thương với vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Bên lề Hội nghị còn kết hợp tổ chức khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp trong vùng. Trong khuôn khổ Hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức một số phiên tư vấn, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp Vùng trung du, miền núi phía Bắc với một số chuyên gia tư vấn, nhà nhập khẩu ở các thị trường nước ngoài.
Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội; là địa bàn giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu… Tuy nhiên, các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng, tiềm năng chưa biến thành động năng, tiềm lực, nguồn lực.
Hiện phần lớn các doanh nghiệp trong vùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh. Công tác phối hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên. Giá trị xuất khẩu còn thấp, mặt hàng xuất khẩu chưa phong phú, đa dạng, khả năng cạnh tranh chưa cao, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, gia công. Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng vững chắc.
Ngoài ra, sự liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, chưa đạt được sự hài hòa về lợi ích. Việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, yêu cầu, điều kiện trong quá trình sản xuất sản phẩm còn hạn chế.
Công tác xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, nhất là quy hoạch phát triển các sản phẩm xuất khẩu gắn với nhu cầu của thị trường còn nhiều hạn chế. Việc thực hiện chuyển đổi số một số nội dung trong hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp của vùng chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Để phát triển kinh tế của vùng, các chương trình xúc tiến thương mại cần được quan tâm, đẩy mạnh tổ chức nhiều hơn nữa, với quy mô lớn, có tính liên kết vùng cao để mang lại những ích lợi, cơ hội và các nguồn thông tin đáng tin cậy cho các tổ chức, doanh nghiệp. Các hoạt động này cũng góp phần tạo điều kiện phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho việc quảng bá, giới thiệu nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có ưu thế của vùng để tăng cường tiếp cận đến các thị trường xuất khẩu.
Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan quản lý kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại, công nghiệp, điều hành lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hỗ trợ các doanh nghiêp trong vùng phát triển thị trường xuất nhập khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của vùng ở thị trường trong và ngoài nước, tận dụng các cơ hội quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực của vùng, góp phần thúc đẩy thương mại của vùng phát triển năng động hơn nữa, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Kim Oanh
Theo