(Xây dựng) - Ngày 27/9 tới tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức Chương trình đào tạo, nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh. Đây là lớp đào tạo thứ ba thuộc chuỗi chương trình gồm 3 lớp được Cục Xúc tiến thương mại thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2024 tại Hà Nội, thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình nhằm hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương lân cận cũng như một số tỉnh, thành khác trên cả nước cập nhật thông tin về phát triển xuất khẩu xanh, nắm bắt và hiểu biết rõ về các đạo luật, quy định mới của EU như CBAM (Đạo luật Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), EUDR (Quy định nhằm giảm mất rừng và suy thoái rừng) để có kế hoạch, biện pháp và lộ trình điều chỉnh các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh mới.
Chương trình đào tạo lần này có quy mô dự kiến khoảng 70-80 đại biểu tham dự là đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, tổ chức hỗ trợ kinh doanh và xúc tiến thương mại… tại khu vực phía Nam và một số tỉnh, thành trên cả nước. Các đại biểu có thể tham dự chương trình hoàn toàn miễn phí.
Trước thềm chương trình đào tạo, Ban tổ chức đã thực hiện khảo sát về nhu cầu cụ thể của các cơ quan, doanh nghiệp đối với việc tham gia đào tạo, nhằm đánh giá kỹ kỳ vọng của các đại biểu, học viên tiềm năng. Trên cơ sở đó, Ban tổ chức phối hợp với các chuyên gia, báo cáo viên của chương trình để thiết kế, điều chỉnh nội dung đào tạo phù hợp, sát thực với mong mỏi của các học viên cũng như những yêu cầu chuyển tải nội dung thiết yếu của chủ đề đào tạo từ phía cơ quan chính phủ tới cộng đồng doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh còn chưa rõ về khái niệm và phạm trù “xuất khẩu xanh” trong bối cảnh mới hiện nay và cần tìm hiểu về các tiêu chí, quy định cụ thể đối với “xuất khẩu xanh”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng quan tâm đến các yêu cầu cụ thể theo ngành hàng, sản phẩm của các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc… và chuẩn áp dụng khung báo cáo bền vững ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị Doanh nghiệp) đối với các thị trường này. Ngoài ra, thông qua lớp đào tạo, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng nắm được các nền tảng, địa chỉ website uy tín để có thể tra cứu trực tuyến các hướng dẫn, biểu mẫu ứng dụng cho thực hành xuất khẩu xanh.
Trên cơ sở những kỳ vọng của doanh nghiệp, chương trình sẽ có sự điều chỉnh nhằm bám sát và đáp ứng những vấn đề doanh nghiệp cần biết, cần được trang bị để “xuất khẩu xanh” thành thạo và hiệu quả trong thời gian tới.
Cụ thể, chương trình đào tạo lần này sẽ tập trung phân tích một số khía cạnh của xuất khẩu xanh, bao gồm các thông tin về quy định EUDR, đánh giá tác động của EUDR tới xuất khẩu, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, tình hình triển khai EUDR tại các quốc gia khác, hướng dẫn doanh nghiệp biện pháp tuân thủ EUDR, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu của EUDR.
Đồng thời, chương trình cũng sẽ thông tin về Đạo luật CBAM, hướng dẫn doanh nghiệp tìm hiểu về CBAM, lộ trình thực hiện CBAM, chế tài áp dụng của EU đối với doanh nghiệp xuất khẩu; đánh giá tác động của CBAM tới xuất khẩu, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam; tình hình triển khai CBAM tại các quốc gia khác; chia sẻ kinh nghiệm về triển khai CBAM, bao gồm những vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp phải để tuân thủ CBAM và giải pháp; hướng dẫn huy động và tìm kiếm nguồn lực, sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu của CBAM.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã khá năng động trong việc quan tâm tìm hiểu, bắt nhịp với xu hướng mới của xuất khẩu, để không bị loại khỏi 'cuộc chơi' bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng lớn các doanh nghiệp cần được cập nhật thông tin để thay đổi tư duy, quan tâm sát sườn hơn tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, “tính xanh” trong thương mại quốc tế để vượt qua được nhiều rào cản kỹ thuật ngày càng cao của các thị trường nước ngoài.
Cục Xúc tiến thương mại kỳ vọng bên cạnh các lớp đào tạo mang tính tổng quát về các nội dung “xuất khẩu xanh”, trong thời gian ngắn sắp tới có thể tiến hành các chương trình đào tạo chuyên sâu, hỗ trợ cụ thể cho từng trường hợp “xuất khẩu xanh” cụ thể của các doanh nghiệp.
Lan Oanh
Theo