(Xây dựng) - Với mong muốn Làng văn hóa kiểu mẫu thực sự là điểm nhấn về kinh tế, văn hóa của các địa phương, bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành trong thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, các địa phương thí điểm xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu cũng đang tập trung phát triển các mô hình sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng.
Mô hình nuôi cá tại thôn Thụ Ích 1, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc. |
Thôn Thụ Ích, xã Liên Châu là một trong 3 thôn của huyện Yên Lạc được chọn thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu năm 2023. Bám sát Bộ tiêu chí để xây dựng Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu về phát triển kinh tế và Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựngLàng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030, xã Liên Châu đã rà soát và lựa chọn một số mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương như: Mô hình xây dựng vườn sản xuất (trồng phật thủ, cây tía tô, rau theo tiêu chuẩn VietGap…); mô hình nuôi cá…
Tận dụng diện tích ruộng ngập nước, hồ đầm của địa phương, một số hộ dân trên địa bàn thôn Thụ Ích đã tiến hành thầu để đầu tư nuôi thả cá với diện tích trên 20ha đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo anh Trần Trung Anh - thôn Thụ Ích 1: Mỗi năm gia đình anh đầu tư khoảng 220 triệu đồng mua cá giống (trắm, chép, rô phi đơn tính…) sau 7 tháng cho thu hoạch từ 26-30 tấn cá, đem lại thu nhập cao cho gia đình. Hy vọng với những chính sách đặc thù hỗ trợ của tỉnh, anh và các hộ sẽ sớm được hỗ trợ vay vốn để mở rộng diện tích nuôi trồng, góp phần nâng cao thu nhập.
Sau khi thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu được chọn là một trong 28 thôn xây dựng thí điểm Làng văn hóa kiểu mẫu, bên cạnh việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, xã tập trung đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, làng nghề truyền thống đá Hải Lựu được địa phương lựa chọn là một trong những mô hình phát triển kinh tế mũi nhọn.
Đến với cơ sở sản xuất, chế tác đá của gia đình anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, anh Toàn cho biết: Hiện cơ sở sản xuất của gia đình anh sản xuất và chế tác đầy đủ các sản phẩm từ đá công trình rải lát, đá mỹ nghệ, trang trí, ốp lát đến các con giống, con giáp, tạc tượng… tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động với mức thu nhập trung bình từ trên 10 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của anh Toàn, thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu đem lại việc làm thường xuyên cho hơn 10 công nhân với thu nhập bình quân trên 10 triệu/người/tháng. |
Để đáp ứng nhu cầu về số lượng cũng như thẩm mỹ của sản phẩm, anh đã đầu tư máy xẻ, máy tiện cỡ lớn và nhiều loại máy cắt nhỏ để phục vụ sản xuất, phương thức sản xuất đá dần được cải tiến, các sản phẩm làm ra ngày càng tinh xảo và bảo đảm số lượng lớn, thu nhập của người làm nghề cũng ổn định và ngày càng nâng cao. Các sản phẩm đá của gia đình anh không chỉ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh mà đã xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Úc, Mỹ thông qua một số công ty xuất nhập khẩu.
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Tiến Trung - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hải Lựu là xã miền núi của huyện Sông Lô, có làng nghề chế tác đá, lễ hội chọi trâu truyền thống và vườn chim sinh thái là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, thu hút đông đảo lượng du khách đến tham quan hằng năm. Vì vậy, chúng tôi phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có, chọn nghề chế tác đá Hải Lựu, trồng lúa hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, thịt trâu sấy, mật để phát triển kinh tế địa phương gắn với phát triển du lịch”. Riêng nghề chế tác đá truyền thống, tại Hải Lựu có hơn 10 cơ sở sản xuất với khoảng 150 lao động làm nghề, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chiếm trên 20% tổng thu nhập của xã. 10 cơ sở sản xuất chế tác đá doanh thu mỗi năm đạt từ 2 tỷ - 3 tỷ đồng/cơ sở. Bên cạnh đó, xã xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 20ha tại thôn Hòa Bình, mở rộng mô hình chế biến thịt trâu sấy, mật ong tại các hộ gia đình, góp phần thu hút lao động, mang lại thu nhập cho người dân. Đồng thời, hỗ trợ đăng ký sản phẩm OCOP cho sản phẩm đặc trưng của xã.
Cũng là một trong 28 địa phương được chọn thí điểm xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, thôn Viên Du Hòa, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương xác định phát huy lợi thế từ các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao sẵn có của địa phương như: Mô hình nuôi gà đẻ trứng, mô hình vườn hoa cây cảnh, mô hình cửa hàng tiện lợi để nhân rộng mô hình, đồng thời đăng ký sản phẩm OCOP cho sản phẩm trứng gà Ai Cập trắng của Hợp tác xã Chiến Thắng nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập đời sống tinh thần và vật chất cho người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo chung cho cả thôn.
Hợp tác xã Chiến Thắng, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương hướng tới xây dựng sản phẩm trứng gà Ai Cập trắng là sản phẩm OCOP. |
Hiện, Hợp tác xã Chiến Thắng có 37 thành viên là các hộ đang chăn nuôi gà đẻ Ai Cập. Để tập trung phát triển kinh tế, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, các cấp chính quyền đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế và định hướng xây dựng mô hình chăn nuôi gà theo hướng chăn nuôi hữu cơ để tạo nguồn trứng sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng thương hiệu trứng gà Ai Cập trắng đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cho địa phương. Tuy nhiên để phát triển hiệu quả các mô hình, địa phương cần sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng về vốn, hướng dẫn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
Chủ tịch UBND xã Thanh Vân Bùi Quốc Việt cho biết: Hầu hết các mô hình đã hình thành tại địa phương còn nhỏ lẻ, chưa tập trung. Với cơ chế chính sách hỗ trợ của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, chúng tôi sẽ vận động người dân nhân rộng và phát triển các mô hình. Riêng về mô hình nuôi gà Ai Cập đẻ trứng, địa phương dự kiến sẽ phát triển để đăng ký sản phẩm OCOP vùng miền. Ngoài ra địa phương còn chú trọng phát triển mô hình vườn hoa cây cảnh, hệ thống siêu thị mini nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Bích Huệ
Theo