(Xây dựng) - Phát triển hạ tầng thương mại biên giới những năm vừa qua được tỉnh Quảng Trị hết sức quan tâm và chú trọng. Đặc biệt, việc nghiên cứu phát huy tiềm năng của khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và khu thương mại biên giới Densavan đã thể hiện sự chú trọng của hai quốc gia nói chung và địa phương biên giới nói riêng trong việc đẩy mạnh phát triển thương mại khu vực biên giới.
Nỗ lực hiện thực hóa xây dựng khu kinh tế thương mại xuyên biên giới
Quảng Trị là tỉnh có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, là điểm đầu trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), phía Tây giáp tỉnh Savanakhet và Salavan, nước CHDCND Lào. Với vị trí của tỉnh là điểm đầu về phía Đông của Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quảng Trị trở thành một trong những trung tâm giao lưu, hợp tác phát triển với các địa phương trong nước và các nước trong tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Đây cũng là một trong những cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các nước và vùng lãnh thổ trên EWEC thông qua cảng biển nước sâu Mỹ Thủy trong tương lai.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, khang trang. |
Với cơ sở hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh và được quy hoạch đồng bộ với cảng biển nước sâu, các tuyến đường bộ, đường thủy, đường sắt Bắc - Nam, cảng hàng không đang được đầu tư xây dựng, tỉnh Quảng Trị sở hữu nhiều điều kiện phát triển các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch ở quy mô khu vực lẫn quốc gia.
Đặc biệt, với vị trí là tỉnh biên giới tiếp giáp nước CHDCND Lào, Quảng Trị có nhiều tiềm năng để phát triển những hoạt động kinh tế, thương mại biên giới.
Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, thời gian vừa qua, việc phát triển các hoạt động xây dựng hạ tầng biên giới, kinh tế biên giới cũng được hai bên chú trọng. Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, hai khu kinh tế là Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (Việt Nam) và Khu thương mại biên giới Densavan (Lào) đã góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực hai bên biên giới, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet.
Để phát huy tiềm năng của Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Densavan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nói riêng và phát triển kinh tế vùng nói chung có sức lan tỏa, nâng cao hiệu quả hợp tác hữu nghị Việt Nam - Lào, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã chủ động đề xuất với trung ương phương hướng nghiên cứu xây dựng Khu thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan. Hiện nay, tỉnh đang làm Đề án xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam) - Densavan (Savannakhet, Lào).
Để hiện thực hóa ý tưởng xây dựng mô hình Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, tỉnh Quảng Trị đã thành lập Tổ công tác 626 để soạn thảo dự thảo Đề án xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung và dự thảo hiệp định song phương, tổ chức nhiều chương trình nhằm tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các doanh nghiệp và tổ chức.
Vào đầu tháng 1/2024, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone, được sự ủy quyền của Chính phủ hai bên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith đã ký kết Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đây là một dấu mốc mới quan trọng trong việc phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào.
Thúc đẩy giao thương từ chợ biên giới
Trung tâm Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo. |
Trong thời gian qua, mạng lưới chợ trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào được hình thành đã góp phần thúc đẩy giao thương, trao đổi hàng hoá, chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng biên giới. Hiện nay, có 3 chợ biên giới đang hoạt động trong khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Về phía Việt Nam, chợ Hướng Phùng (thôn Xa Ry, Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị) cách đường biên giới khoảng 3,4 km. Chợ hình thành từ năm 2003 với tính chất tự phát và có quy mô nhỏ sau đó dần dần mở rộng quy mô; đến năm 2017 UBND xã Hướng Phùng có văn bản đề nghị UBND huyện Hướng Hóa về việc thành lập chợ Hướng Phùng và giữ nguyên quy mô hoạt động đến nay. Tần suất hoạt động của chợ từ 5 giờ 30 phút đến 15 giờ hàng ngày. Tại chợ có 34 hộ thương nhân thường xuyên buôn bán tại chợ, số lượng cư dân biên giới phía đối diện qua lại biên giới để vào chợ khoảng 20 - 25 lượt người/ngày.
Chợ Tân Long (Thôn Long Hợp, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cách đường biên giới đoạn gần nhất khoảng 1 km. Chợ hình thành từ năm 1997 mang tính chất tự phát với khoảng 40 quầy kinh doanh. Đến năm 2008, chợ được đầu tư, mở rộng diện tích khoảng 2000 m2. Số lượng cư dân biên giới phía đối diện qua lại biên giới vào chợ: 10 - 15 người/ngày.
Chợ Tân Long là một trong những chợ chuối lớn nhất tại miền Trung. |
Hiện nay, Quảng Trị đang có Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (tiền thân là Khu thương mại Lao Bảo) tại khóm Tây Chín, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị, cách đường biên giới khoảng 2,2 km. Tần suất hoạt động của chợ từ 6 giờ đến 16 giờ hàng ngày. Số lượng cư dân biên giới phía đối diện vào chợ khoảng 40 - 50 lượt người/ngày.
Anh Phạm Hồng Quang, một cư dân bản địa cho biết, ngày xưa vùng cửa khẩu này chẳng có gì nổi bật, hằng ngày chỉ rải rác đôi ba chục chuyến xe chở hàng hóa qua Lào rồi mang than, củi, hoặc thạch cao cho những hành trình ngược lại.
Thế nhưng, từ khi Chính phủ cho phép thành lập khu thương mại đặc biệt Lao Bảo thì lượng người và hàng hóa đổ về đây ngày một nhiều. Và đương nhiên, một khi sự giao thương phát triển thì kéo theo đó là sự phát sinh của các loại hình dịch vụ và đời sống kinh tế người dân có sự phát triển.
Huyền Nhi
Theo