(Xây dựng) – Thực hiện mục tiêu chuyển dịch xanh của cộng đồng doanh nghiệp là một trong những nội dung chính được bàn luận tại Hội thảo "Net Zero: Chuyển dịch xanh - cơ hội người dẫn đầu" vừa diễn ra tại khách sạn JW Marriott Hà Nội. Hội thảo với mục tiêu góp phần thúc đẩy tiến trình "chuyển đổi xanh", đưa nền kinh tế Việt Nam theo hướng "tăng trưởng xanh", bền vững, thực hiện cam kết về Net Zero phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 và hội nhập cùng xu hướng phát triển của thế giới.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Theo thống kê được nhắc đến trong Hội thảo, lượng CO2 phát thải toàn cầu năm 2022 là 37 tỷ tấn – mức cao nhất kể từ năm 1900. Việt Nam là một trong 20 nước có lượng phát thải nhiều nhất thế giới. Nếu không hành động thì năng lượng ở Việt Nam sẽ tạo mức phát thải 75% vào năm 2050. Vì thế, Net Zero không chỉ là "cuộc chơi xa xỉ của người giàu" mà là sứ mệnh nghiêm túc mà bất kỳ công dân và doanh nghiệp nào cũng cần hướng tới.
Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050.
Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Chiến lược xác định rõ, tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải nhà kính để hướng tới mục tiêu cam kết Net Zero trong tương lai.
Các đại biểu tại Hội thảo đã thảo luận về tầm quan trọng của Net Zero đối với lợi ích của doanh nghiệp, chia sẻ những khó khăn thuận lợi, chia sẻ các mô hình mới trong lộ trình thực hiện mục tiêu Net Zero; bàn luận chuyên sâu về đề án xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ carbon, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, nhiều giải pháp liên quan đến công cụ tài chính xanh, taxi xanh, chuyến bay xanh, trang trại thân thiện môi trường, hay những mô hình điện gió...cũng đã được những người làm chính sách, những doanh nghiệp đưa ra thảo luận.
Đồng hành cùng Hội thảo, Viglacera đóng vai trò là một trong những doanh nghiệp tiên phong dẫn dắt xu hướng Net Zero, thể hiện qua thực tế sản xuất các giải pháp vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường và khác biệt trên thị trường như bê tông khí chưng áp (AAC, ALC), kính tiết kiệm năng lượng (Lowe, Solar Control), gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh...
Khu trưng bày các sản phẩm Bê tông khí chưng áp và Kính tiết kiệm năng lượng của Viglacera tại Hội thảo. |
Theo đại diện Công ty sản xuất Bê tông khí chưng áp Viglacera, từ những năm 2010, Viglacera đã sớm nhận ra xu thế phát triển xanh bền vững và quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất sản phẩm Bê tông khí chưng áp hiện đại của Cộng hòa Liên bang Đức. Việc chuyển đổi từ gạch đỏ truyền thống sang các vật liệu không nung giúp việc phát thải khí CO2 ra môi trường gần như bằng 0.
Bên cạnh đó, toàn bộ quy trình sản xuất được tuần hoàn nguyên nhiên vật liệu nên tiêu tốn rất ít năng lượng và tài nguyên, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực về chi phí và độ bền cho chủ đầu tư cũng như người sử dụng. Năm 2023, sản phẩm Bê tông khí chưng áp của Viglacera đã đạt được chứng chỉ Vật liệu xanh do Singapore Green Council chứng nhận.
Đối với các giải pháp kính tiết kiệm năng lượng, Viglacera đã cho ra mắt các dòng kính LowE và Solar Control. Đây là những sản phẩm xanh, giúp tiết kiệm đến 51% chi phí điện năng, ngăn cản đến 79% bức xạ mặt trời, ngăn cản đến 99% tia tử ngoại (UV).
Hiện nay, Viglacera đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào nhà máy sản xuất kính nổi siêu trắng, đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao đối với phôi kính sản xuất kính năng lượng mặt trời và kính tiết kiệm năng lượng.
Đây cũng là dây chuyền kính nổi đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, thể hiện cam kết của Viglacera trong việc đồng hành cùng chiến lược phát triển bền vững của Chính phủ.
Với những cải tiến kỹ thuật và đầu tư công nghệ mới, Viglacera cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Linh Anh – Đỗ Hương
Theo