(Xây dựng) - Tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Bến Tre đang trên đà phát triển nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm. Theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, ban hành ngày 29/1/2021, mục tiêu được đặt ra cho giai đoạn 2021-2025 là đạt ít nhất 27% tỷ lệ đô thị hóa, và sang năm 2030 sẽ nâng lên 45%. Tuy nhiên, với tỷ lệ đô thị hóa hiện tại chỉ đạt 24%, rõ ràng việc thực hiện các mục tiêu này sẽ cần có những giải pháp quyết liệt hơn.
Đại lộ Đồng Khởi, trung tâm thành phố Bến Tre. (Ảnh: Nguyễn Hải) |
Tỷ lệ đô thị hóa
Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, với tầm nhìn đến năm 2030, đã đặt ra những mục tiêu hết sức quan trọng cho việc nâng cao tỷ lệ đô thị hóa. Mục tiêu đạt tỷ lệ đô thị hóa ít nhất 27% vào năm 2025 và 45% vào năm 2030 thể hiện quyết tâm xây dựng đô thị văn minh và là bước đi quan trọng, đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, mặc dù tỷ lệ đô thị hóa chỉ đạt 24%, nhưng chúng ta không thể phủ nhận những nỗ lực đáng kể từ các địa phương. Việc công nhận xã Châu Hưng, huyện Bình Đại là đô thị loại V và những bước tiến của 7 xã, địa phương còn lại gồm: Thới Thuận (Bình Đại), Tân Phú (Châu Thành), Phước Long (Giồng Trôm), Phú Phụng (Chợ Lách), An Định (Mỏ Cày Nam), Tân Phong (Thạnh Phú), Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc) còn lại trong việc hoàn thành cơ bản các bước rà soát đánh giá các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại V cho thấy sự quyết tâm và cố gắng không ngừng của lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh.
Bên cạnh đó trong công tác thiết thực như xây dựng các tiêu chuẩn đô thị loại I cho thành phố Bến Tre, loại III cho các thị trấn Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày và loại IV cho thị trấn Thạnh Phú, Chợ Lách cho thấy sự chủ động và tích cực trong việc phát triển hạ tầng đô thị. Việc đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, xã hội đang từng bước chuyển mình, tạo nên tiền đề vững chắc cho sự phát triển. Tuy nhiên, một thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận là việc rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị hiện vẫn chưa thật sự chủ động, chưa đáp ứng được những yêu cầu của tình hình phát triển mới.
UBND thành phố Bến Tre cũng đã có những chỉ đạo cụ thể để thực hiện các tiêu chuẩn thành lập phường, điều này cho thấy quyết tâm lớn từ lãnh đạo tỉnh, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra. Các xã như: Mỹ Thạnh An, Bình Phú, Phú Hưng và Sơn Đông đang nỗ lực vươn tới các tiêu chuẩn cần thiết để được công nhận, với Mỹ Thạnh An và Bình Phú đã đạt 13/18 tiêu chuẩn và Phú Hưng, Sơn Đông đạt 14/18 tiêu chuẩn.
Phát triển đô thị mới
Song song với đó việc thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc phát triển hệ thống đô thị, với việc thành lập mới 3/6 thị trấn, bao gồm thị trấn Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành, thị trấn Tiệm Tôm ở huyện Ba Tri và thị trấn Phước Mỹ Trung tại huyện Mỏ Cày Bắc. Những nỗ lực này không chỉ góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hóa mà còn tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Việc thành lập thị trấn Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam và Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách đang được tích cực triển khai. Cả hai địa phương này đã bắt đầu thực hiện các tiêu chí cần thiết để được công nhận là thị trấn mới, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024. Sở Nội vụ đã nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương tiến hành các thủ tục để lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ đề án thành lập thị trấn.
Đáng chú ý, thị trấn Lộc Thuận, huyện Bình Đại cũng đang trong quá trình sáp nhập với xã Phú Vang theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Do đó, địa phương phải rà soát quy hoạch lại đô thị Lộc Thuận mới (phạm vi, gồm: xã Lộc Thuận và xã Phú Vang) và tiến hành các thủ tục đánh giá đô thị loại V, nên tiến độ thành lập đô thị sẽ chậm hơn so với dự kiến.
Cùng đó, tỉnh cũng đang tập trung vào việc thành lập mới thị xã Mỏ Cày và thị xã Ba Tri. Thời gian hoàn thành dự kiến đã được điều chỉnh đến năm 2030, theo Chương trình số 29-CTr/TU ngày 8/11/2022 của Tỉnh ủy. Điều này thể hiện rõ ràng quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, về công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã của tỉnh đến năm 2030. Đề án này bao gồm các phương án để xác định phạm vi thành lập thị xã và các phường, nhằm đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn của thị xã, dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Sau khi ban hành, các địa phương sẽ tổ chức quy hoạch đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các đề án thành lập thị xã.
Thu hút các nguồn vốn
Hạ tầng giao thông Bến Tre ngày càng hoàn thiện để thu hút đầu tư. (Ảnh: Báo Đầu tư) |
Trong bối cảnh phát triển đô thị của tỉnh Bến Tre, việc thu hút đầu tư và huy động nguồn vốn là một trong những nhiệm vụ then chốt để thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy. Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho các dự án cũng không kém phần quan trọng. Tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo nguồn vốn, từ đó kết hợp nguồn ngân sách Nhà nước với thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, cũng như vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư.
Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, việc huy động vốn đã luôn được tỉnh chú trọng. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung vào việc thu hút đầu tư cho các dự án phát triển đô thị. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 35 dự án đã được trình thông qua Nghị quyết HĐND tỉnh để đề xuất chủ trương, tiến hành quy trình lựa chọn nhà đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã lựa chọn thành công 4 nhà đầu tư với quy mô diện tích khoảng 150ha, đánh dấu bước tiến đáng kể trong việc triển khai các dự án lớn.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã cho chủ trương triển khai phương án đấu giá để kêu gọi đầu tư vào các công trình thương mại và dịch vụ tại những trụ sở cũ trên địa bàn thành phố Bến Tre, như: Trụ sở của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn và Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu... nhằm góp phần tạo nguồn vốn trong phát triển đô thị.
Hơn nữa, để huy động nguồn lực mang tính đồng bộ cho đầu tư phát triển đô thị, UBND tỉnh đã trình Nghị quyết HĐND thông qua các chủ trương đầu tư khu đô thị mới, xây dựng cơ sở cho quy trình chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện. Nhờ sự quan tâm trong việc phân bổ nguồn vốn cho công tác lập và điều chỉnh quy hoạch chung, cũng như phát triển nông thôn mới, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai hoàn thành công tác quy hoạch theo các mục tiêu mà tỉnh đã đề ra.
Thông qua các biện pháp lồng ghép các công trình ưu tiên cho đầu tư xây dựng nông thôn mới đã được thực hiện kịp thời. Điều này không chỉ tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững đô thị mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bến Tre đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong việc xây dựng một hệ thống đô thị hiện đại, đồng bộ và bền vững, vì một tương lai phồn vinh cho tất cả mọi người dân nơi đây.
Ngọc Anh – Giang Sơn
Theo