(Xây dựng) - Tại Thủy điện Trị An và vùng hồ Trị An, hiện nay Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã chuẩn bị cho những chủ trương, kế hoạch lớn. Trong đó hai vấn đề nổi cộm là: Tiếp tục mở rộng nhà máy và thực hiện đề án du lịch xanh quy mô.
Khách du lịch cưỡi cano vui chơi trên mặt hồ Thủy điện Trị An. (Ảnh: Nguyễn Đức) |
Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Trị An đã được UBND tỉnh Đồng Nai quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 5/2020 với việc lắp đặt thêm hai tổ máy mới, công suất 100 MW/tổ máy, dự kiến khởi công vào quý II/2023, hoàn thành trong năm 2026. Dự án này do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vào tháng 6/2024, Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch hồ Trị An thành địa điểm du lịch cấp quốc gia.
Tiếp tục mở rộng quy mô thủy điện
Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thực hiện dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng phải thu hồi diện tích đất là 92ha. Sau khi thực hiện xong, công trình sẽ tiếp tục phát huy công năng, tăng công suất hòa vào hệ thống điện quốc gia, góp phần vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có 1 nhà máy thủy điện, 5 nhà máy nhiệt điện, một nhà máy điện diesel với tổng công suất 2.130 MW.
Sau khi có chủ trương đầu tư vào năm 2020, đến nay do gặp một số khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng đang bị chững lại. Tháng 6/2024 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ. Theo nội dung cuộc họp, việc thực hiện dự án đó phải lấy đi phần đất thuộc 192 thửa, trong đó nhiều thửa giao khoán cho các hộ dân trước đây mà không ký hợp đồng, các thửa đất này cũng đều chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để tháo gỡ khó khăn, huyện Vĩnh Cửu đã đưa ra đề xuất, đề nghị tỉnh chấp thuận phương án bồi thường đối với cả trường hợp có và không có hợp đồng giao khoán. Về việc này, hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (đơn vị quản lý khu vực trên) thanh lý các hợp đồng giao khoán còn thời hạn, để tiếp tục rà soát hồ sơ.
Năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã làm việc với EVN về tình hình tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng. Tại buổi làm việc này, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định dự án đã được Chính phủ phê duyệt tại quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), nên chắc chắn, tỉnh phải ưu tiên tìm mọi giải pháp để đẩy nhanh, đáp ứng mục tiêu tiến độ.
Tại cuộc làm việc này, ông Quản Minh Cường, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, vấn đề năng lượng là hết sức quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào, là nền móng của sự phát triển. Ông Quản Minh Cường đề nghị UBND tỉnh, các Sở, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, thực hiện nhanh hơn nữa công việc mà chủ trương đề ra đồng thời đảm bảo tuyệt đối các tiêu chí về quản lý điện năng, phát triển lưới điện, môi trường, an toàn hành lang điện...
“Vùng Thủy điện Trị An, căn cứ địa Mã Đà đã được coi là huyền thoại, càng thấy vui hơn khi Nhà nước luôn có các chính sách kịp thời, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới”, ông Quản Minh Cường chia sẻ.
Phát triển hồ Trị An thành khu du lịch quốc gia
Vừa qua, tháng 6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, hồ Trị An của Đồng Nai nằm trong danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia.
Theo đó, trong phần quy hoạch phát triển không gian du lịch Việt Nam, tại vùng Đông Nam Bộ, hồ Trị An được định hướng phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ các đặc trưng hiện hữu của lòng hồ, đến hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, các đô thị, tài nguyên du lịch biển đảo. Ngoài ra, có thể hướng đến các hướng khai thác khác như: Du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện, du lịch đô thị gắn với công nghiệp, kinh tế ban đêm, nghỉ dưỡng... Trong quy hoạch phát triển không gian du lịch vùng cũng nhắc đến việc tăng tính liên kết theo “cụm” trong vùng Đông Nam Bộ, sau đó là liên kết giữa vùng Đông Nam Bộ và các vùng khác như: Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung…
Cảnh sắc thơ mộng bên hồ Thủy điện Trị An. (Ảnh: Nguyễn Đức) |
Gần đây nhất, trong tháng 6/2024, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai cũng đã có buổi khảo sát, đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch hồ Trị An. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu lãnh đạo các địa phương có quản lý diện tích hồ Trị An cần có sự thống nhất không gian phát triển du lịch, để các dự án du lịch và hạ tầng được phát triển đồng bộ, bên cạnh đó phải cập nhật kịp thời tiến độ quy hoạch của tỉnh để triển khai các dự án trong thời gian tới. Đặc biệt, cần lưu ý chú trọng đến việc bảo tồn cây xanh ven hồ, ven rừng.
Đúng như lời ông Nguyễn Hồng Lĩnh, những lần đi qua vùng hồ Trị An, bao quát toàn vùng, chứng kiến những con đường ven hồ tuyệt đẹp, sắc nước xanh bao la thỉnh thoảng gợm những con sóng trắng mặt hồ, những hòn đảo xanh rì thơ mộng, cách không xa là rừng nguyên sinh với các loại thú hiếm, chúng tôi thấy rằng đây đúng là “vốn quý trời cho”, cần phát triển nhưng phải biết cách gìn giữ.
Quả thật, không ít lần dư luận đã phải lên tiếng bởi những phát triển manh mún, tự phát tại vùng lòng hồ, thậm chí có những “nhăm nhe” xây dựng cáp treo, dựng chùa làm du lịch tâm linh tại đây mà chưa có đánh giá, thẩm định rõ ràng, những phát triển không có tính bền vững, có nguy cơ đe dọa đến môi trường sinh thái.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh, chắc chắn quy hoạch không gian du lịch sẽ cần phải đi đôi với kế hoạch đầu tư hạ tầng du lịch. Theo đó, các đơn vị sẽ phải công bố kế hoạch xây dựng hạ tầng bao gồm cả đường, điện, nước... như vậy các nhà đầu tư mới có định hướng để đầu tư và việc phát triển các dự án du lịch mới được đồng bộ. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng thông tin, trong quy hoạch phát triển du lịch, khu vực hồ Trị An được quy hoạch là một trong 7 điểm du lịch cấp quốc gia, thời gian qua du lịch vùng hồ Trị An có sự phát triển khá mạnh tuy nhiên các mô hình còn mang tính tự phát.
Nhằm tăng cường sự quản lý Nhà nước, khai thác tiềm năng du lịch hiệu quả, cuối năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021-2030. Hiện, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đang hoàn thiện các bộ tiêu chí để mời gọi nhà đầu tư theo quy định.
“Nơi đây sở hữu cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với những ngọn núi xanh biếc, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn và mặt hồ rộng lớn, phẳng lặng. Khi phát triển được hạ tầng du lịch, sẽ tạo được điều kiện cho các dự án du lịch phát triển, khu vực nào có kế hoạch đầu tư hạ tầng trước thì thu hút đầu tư phát triển du lịch trước, đối với các điểm du lịch trên mặt hồ, cần quy hoạch bến tàu, đồng thời bảo đảm các vấn đề về môi trường nghiêm ngặt, gìn giữ nguồn nước sạch”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Thủy điện Trị An - Phát huy tầm vóc lịch sử, giúp đô thị thêm xanh!
Trao đổi với chúng tôi xung quanh những giá trị, tầm vóc và các kế hoạch lớn sắp tới liên quan công trình Thủy điện Trị An, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định ý nghĩa lịch sử to lớn, những đóng góp về nhiều mặt của “công trình thế kỷ” này. Ông Võ Tấn Đức cho rằng, nhắc về Thủy điện Trị An đồng thời cũng là nhắc nhớ lại những ngày gian khó mà hào hùng trong giai đoạn đầu khi mới thống nhất đất nước, đưa đến cho giới trẻ những thông tin và bài học ý nghĩa. Ông Võ Tấn Đức cho rằng, từ nỗ lực của thời kỳ đầu kiến thiết đất nước đến hôm nay, tỉnh Đồng Nai và Đông Nam Bộ nói chung đã có được nền tảng phát triển kinh tế - xã hội vững chắc trong thời kỳ mới.
“Hồ Trị An có vai trò to lớn trong cung cấp điện, cung cấp nước, cải tạo hệ sinh thái, thủy lợi, du lịch… Phát triển xanh hài hòa vùng hồ thủy điện chính là giúp cho các đô thị thêm xanh. Thủy điện Trị An là công trình đóng góp giá trị to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của miền Nam, đồng thời là lá phổi xanh của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ”, ông Võ Tấn Đức chia sẻ.
Một góc hồ Trị An, đẹp như bức tranh thủy mặc. (Ảnh: Nguyễn Đức) |
Các “mốc” quan trọng của công trình Thủy điện Trị An *Một số mốc thời gian đáng ghi nhớ: -Ngày 30/4/1984: Khởi công (nổ mìn mở móng đập tràn) -Ngày 10/5/1985: Đổ khối bê tông đầu tiên ở đập tràn -Ngày 12/1/1987: Ngăn sông Đồng Nai -Ngày 30/4/1988: Tổ máy số 1 vận hành chính thức -Tháng 11/1988: Tổ máy số 2 đưa vào vận hành -Tháng 4/1989: Tổ máy số 3 phát điện -Tháng 9/1989: Tổ máy số 4 phát điện *Những con số ấn tượng: -Đất đá đào lắp: 23 triệu m3 -Bê tông : 580.000 m3 -Kết cấu thép và thiết bị: 73.000 tấn -Sử dụng công suất thiết bị: 133.300 KW (181.288 mã lực) -Số lượng công nhân bình quân từ 8.000 – 10.000 người tại công trường, cao điểm nhất đạt đến 19.000 người (năm 1987) *Những thông số cơ bản của hồ chứa: -Cao trình mực nước dâng bình thường: 62m -Cao trình mực nước chết: 50m -Cao trình mực nước dâng gia cường: 63,9m -Dung tích toàn bộ: 2764,7 triệu m3 -Dung tích hữu ích: 2546,7 triệu m3 |
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do 789club ios phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Nguyễn Đức - Cẩm Trang
Theo