(Xây dựng) - Nếu tính số lượng giải thưởng thế giới về kiến trúc, TS. KTS Võ Trọng Nghĩa đứng vị trí số 1. Anh được nhiều hãng thông tấn nổi tiếng trên thế giới phỏng vấn và bầu chọn như BBC, CNN, New York Times… Rất nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới cũng mời anh đến giảng về chủ đề “Xanh hoá trái đất bằng xanh hóa kiến trúc và quy hoạch đô thị”.
TS. KTS Võ Trọng Nghĩa. |
Tại Việt Nam, tuy còn nhiều tranh cãi về những công trình của Võ Trọng Nghĩa song bài viết này chỉ muốn nhấn mạnh vào những thực tế là những đóng góp không nhỏ của anh trong tạo dựng nên những công trình kiến trúc xanh không thể phủ nhận.
Quan niệm về kiến trúc xanh
Trong lời nói đầu cuốn sách "Vo Trong Nghia Architects" anh viết: "Là những kiến trúc sư trong thời đại này, nhiệm vụ quan trọng nhất là mang lại sắc xanh cho trái đất, các kiến trúc sư có thể giải quyết điều này theo cách riêng". Võ Trọng Nghĩa có quan điểm riêng về kiến trúc xanh. Anh cho rằng, kiến trúc xanh không phải là kiến trúc thuần tuý về cây xanh. Cây xanh ở đây là làm xanh hoá thành phố bằng cây xanh. Kiến trúc xanh được hiểu ở khía cạnh năng lượng tạo ra vận hành, và thiêu huỷ công trình đó.
Võ Trọng Nghĩa cho biết “Nhiều người cứ nghĩ kiến trúc xanh là cái gì ghê gớm. Không đúng đâu. Nhưng có một việc cần lưu ý, bản chất là đừng có cố gượng ép. Làm công trình mất đi tính bền vững tự nhiên theo nghĩa đen là vứt… Người ta cứ nghĩ kiến trúc xanh là phải đắt nhưng không phải.”
Xanh theo quan điểm của anh có nghĩa là thân thiện với môi trường chứ không có nghĩa là chỉ trồng cây mới thân thiện với môi trường. Kiến trúc xanh là kiến trúc của Việt Nam trong tương lai, phù hợp với khí hậu, phong thổ và con người Việt Nam.
Bền vững là yếu tố sống còn
Một kiến trúc xanh còn phải tính đến yếu tố bền vững của công trình. Võ Trọng Nghĩa nhận định “Kiến trúc luôn thách thức. Nhưng thách thức lớn nhất là hòa hợp được sự đông đúc của mật độ dân cư với yếu tố thiên nhiên trong phong cách kiến trúc mà chúng tôi theo đuổi, giúp cho kiến trúc ấy bền vững. Người ta nói về kiến trúc xanh bền vững nhiều rồi, nhưng họ làm nên những thứ chỉ tồn tại trong vài năm. Vậy thì bền vững ở đâu? Giờ đây, người ta chỉ muốn xây dựng thật nhanh. Nhưng chúng tôi không muốn tạo nên những đống rác khổng lồ từ kiến trúc. Để làm nên được những công trình bền vững, trước hết cần phải xây dựng đúng cách, từ cấu trúc lớn cho tới chi tiết nhỏ. Không phải cứ chi nhiều tiền là được, mà cần sử dụng đúng vật liệu, đúng cách”.
Muốn công trình tồn tại hàng trăm năm thì thiết kế luôn hướng tới việc công trình bền vững tương ứng. Lớp lang của một đô thị cần những công trình tồn tại bền vững.
Tạo sự bình an – đưa thiên nhiên nhiều nhất có thể vào công trình
Những công trình kiến trúc của anh không chỉ giúp làm đẹp cho kiến trúc thành phố, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường tự nhiên mà còn mang đến cảm giác thanh bình, thư thái, bình yên. Đó là những công trình luôn thể hiện sự sáng tạo không ngừng trong thiết kế kiến trúc, gắn liền với thiên nhiên, cảnh quan xung quanh và văn hóa bản địa.
Anh luôn tập trung vào việc kết nối con người với thiên nhiên. Nhận thức rõ thực tế là rất ít công viên trong thành phố, không gian sống có ít sự hiện diện của thiên nhiên. Điều này là một phần lý do khiến con người chịu nhiều áp lực, xung đột, mâu thuẫn trong cuộc sống. Nếu thiếu vắng sự hiện diện của thiên nhiên, cong người sẽ cảm thấy bức bối, mất cân bằng, vì thế anh luôn tìm cách đưa thiên nhiên vào trong kiến trúc đô thị nhiều nhất có thể.
Đó là những công trình sử dụng vật liệu mộc mạc, sẵn có như tre, nứa rơm rạ, gỗ, đất nện, đá kết hợp với gió nước và ánh sáng. Những công trình bằng tre không chỉ là thành tựu trong việc nghiên cứu, ứng dụng trong xây dựng mà còn là điểm khởi đầu xu hướng mới trong việc sử dụng các chất liệu tự nhiên trong các công trình kiến trúc trong và ngoài nước.
Yếu tố cây xanh lúc này không phải chỉ để trang trí mà đó là một yếu tố cần thiết trong kiến trúc. Cây xanh và các vật liệu tự nhiên lúc này là yếu tố cần để tương tác với công trình. Sự tương tác ấy tạo nên những giá trị nâng tầm chất lượng cuộc sống của con người giữa bối cảnh đông đúc, chật chội trong thành phố. Điều quan trọng hơn cả, đó là sự vận dụng thông minh những hệ thống tái chế nước, pin mặt trời, sự kết hợp giữa năng lượng tự nhiên và vật liệu tự nhiên. Từ đó tạo nên những không gian mở, thông thoáng và có chiều sâu.
Trách nhiệm của Kiến trúc sư
Anh cho biết: “Mục tiêu chính của tôi những năm tới là xanh hóa nhà ống, phát triển cải tạo nhà ống thành nhà xanh. Vận dụng trí lực để đơn giá không tăng, góp phần xanh hóa đô thị với tốc độ càng nhanh càng tốt. Tôi đang tuyển dụng nhân tài thế giới về Việt Nam để đào tạo những người làm kiến trúc xanh”.
"Trách nhiệm của chúng tôi, của những người làm kiến trúc, là phải trả lại màu xanh cho trái đất này… Nghề kiến trúc và xây dựng phát triển, những khối bê tông sắt thép mọc lên ngày càng nhiều, chúng đã tàn phá môi trường, tàn phá thế giới nên tôi mong muốn làm ra những công trình có thể trả lại mảng xanh cho trái đất này. Kiến trúc là để phục vụ cho con người và xã hội, nếu không hiểu những vấn đề đang xảy ra trong môi trường sống của chúng ta, thì không thể làm kiến trúc được… Khi chọn nghề kiến trúc, tôi đã nghĩ ngay đến chuyện làm kiến trúc như thế nào để thân thiện với xã hội, để cải thiện môi trường sống. Với tôi, điều kiện văn hóa xã hội ở Việt Nam khiến tôi có nhiều cảm hứng thiết kế nhất. Trước khi thiết kế các công trình kiến trúc, tôi đều nghĩ đến việc làm sao để đưa thiên nhiên vào công trình của mình”.
Vì thế, thiết kế kiến trúc cần tạo nên sự thanh thản, làm sao để hình ảnh thiên nhiên, cây cối luôn hiện diện trong tâm trí. Tất cả những nỗ lực trong thiết kế của anh đều xoay quanh một “tầm nhìn”: sáng tạo nên phong cách kiến trúc kết hợp được yếu tố thiên nhiên, nguyên vật liệu tự nhiên, và thông qua những nguyên vật liệu cùng phương pháp xây dựng hiện đại, tạo nên thiết kế kiến trúc xanh đương đại.
Khát khao cống hiến và trăn trở: Làm gì để xanh hóa đô thị Việt Nam?
Trải qua nhiều năm, đến nay Võ Trọng Nghĩa đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ người dân. Anh mong muốn góp phần vào việc truyền được cảm hứng đến với chính quyền thành phố, để họ ra quy định về "xanh hóa những mái nhà". Võ Trọng Nghĩa luôn trăn trở trước sự biến đổi khí hậu, trước sự nóng lên của trái đất, sự ô nhiễm môi trường và trong đó có sự tiếp tay của những căn nhà ống ngột ngạt. Vì vậy, phải làm mọi cách để con người sống thuận với thiên nhiên.
“Nếu thành phố quy định tất cả nhà làm mới hoặc cải tạo (không thuộc diện bảo tồn) đều phải làm mái xanh mới được cấp phép, những dự án mới muốn được cấp phép đều phải xanh hóa 100% mái nhà. Như vậy, thành phố sẽ trở thành thành phố xanh cho tất cả mọi người…. Chúng tôi muốn sử dụng phong cách kiến trúc truyền thống bản địa và kiến trúc hiện đại để giải quyết những vấn đề của không gian thành phố đông đúc. Thiết kế kiến trúc bản địa vốn đề cao sự hòa hợp với thiên nhiên. Kiến trúc ấy đã có từ trước khi chúng tôi có điện”, KTS Võ Trọng Nghĩa cho biết.
Bên cạnh đó, anh luôn muốn truyền cảm hứng đến cộng sự và đồng nghiệp, muốn đào tạo ra những đội ngũ kiến trúc sư làm nghề theo tư tưởng trên. “Cách đào tạo của tôi là phải truyền được cảm hứng cho người khác. Tôi truyền đạt cho những nhân viên của mình biết cách gần gũi, thân thiện và yêu thiên nhiên. Mỗi ngày, các nhân viên sẽ dành ra 1 giờ đồng hồ để thiền, buổi sáng từ 8h - 8h30, buổi chiều từ 5h30 đến 6h. Việc thiền định mỗi ngày giúp tâm mỗi người được tĩnh lặng, đầu óc trong sáng, sự giao thoa giữa người và thiên nhiên được tái tạo lại. Từ đó tình yêu thiên nhiên sẽ đến với mỗi người, và họ sẽ muốn làm được những kiến trúc xanh”.
Đó là lý do Võ Trọng Nghĩa có thể khẳng định tên tuổi cũng như phong cách riêng của anh đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ bầu không khí trong lành, xanh mát và thẩm mỹ cho các công trình.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do 789club ios phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Khánh Phương
Theo