(Xây dựng) – Vụ việc nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất ở và đất trồng cây lâu năm tại xã Bình Minh (Trảng Bom, Đồng Nai) vẫn khiến dư luận xôn xao nhiều tháng nay và nghi vấn có sự “chống lưng” vì dù đã bị lên tiếng, nhưng công trình trái phép này vẫn ngang nhiên tồn tại và hoạt động.
Chủ công trình và cán bộ xã Bình Minh cho rằng, đây là “nhà cấp 4 có kho chứa hàng”, được xây dựng với diện tích 300m2 (ảnh chụp tại thời điểm 13/9/2023). |
Như Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh, thửa đất số 266, tờ bản đồ số 10 tại ấp Tân Bắc, xã Bình Minh có tổng diện tích 1.173,2m2 (trong đó có 300m2 đất thổ cư và 873,2m2 đất trồng cây lâu năm), thời hạn sử dụng đến 30/11/2054 được ghi tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số C0755033.
Hiện tại, trên thửa đất 266 này đang hiện hữu một công trình có quy mô nhà xưởng được xây dựng hoàn thiện với diện tích khoảng 2/3 tổng diện tích thửa đất. Thế nhưng, các cán bộ UBND xã Bình Minh lại khẳng định, đó là “nhà ở cấp 4 có kho chứa hàng”, chủ công trình đã xin phép UBND xã Bình Minh để xây dựng. Trên thực tế, “nhà ở cấp 4 có kho chứa hàng” được xây dựng với quy mô của một xưởng, bằng khung thép sừng sững cùng bảng hiệu trước cổng như của doanh nghiệp.
Người dân khu vực này cho biết: “Hàng ngày vẫn có ôtô tải và xe cẩu ra vào nhưng cửa, cổng được đóng lại ngay lập tức, trông rất bí hiểm. Chúng tôi ngạc nhiên vì công trình “hoành tráng” này chắc chắn là xây dựng sai quy hoạch, trái với mục đích sử dụng đất, vậy mà vẫn được hoạt động giữa “thanh thiên bạch nhật”.
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã tiếp cận công trình, đề nghị UBND huyện Trảng Bom xác minh sự việc và có ý kiến trả lời những vấn đề mà dư luận phản ánh. Thế nhưng, từ đầu tháng 7/2023 đến nay, UBND huyện Trảng Bom vẫn làm ngơ, trả lời quanh co qua điện thoại, chưa đưa ra câu trả lời nghiêm túc, đúng chức trách, đúng quy định tại Điều 38, 39 của Luật Báo chí 2016.
Cho đến ngày 13/9/2023, công trình có quy mô của nhà xưởng xây dựng trên đất ở và đất trồng cây lâu năm, thuộc thửa đất trên vẫn sừng sững tồn tại và đã hoạt động. Tại thời điểm này, bên trong nhà xưởng đang có nhiều người mặc đồ bảo hộ làm việc cùng máy móc, thiết bị công nghiệp, khi thấy xuất hiện người lạ những người này đã dừng làm việc và chạy ra đóng kín cửa.
Ngày 13/9/2023, nhiều người mặc đồ bảo hộ lao động đang lắp đặt thiết bị công nghiệp tại “nhà cấp 4 có kho chứa hàng”, thấy người lạ những người này đã ngừng làm việc và đóng cửa. |
Luật Đất đai quy định, đất trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp, sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm. Tại Giấy chứng nhận quyền sử dựng đất của thửa đất 266 cũng ghi rõ mục đích sử dụng “đất thổ cư 300m2 và 873,2m2 đất trồng cây lâu năm”. Do vậy, công trình nhà xưởng này có không gian, diện tích, sức chứa cũng như quy mô lớn hơn so với diện tích 300m2 (đất ở). Mặt khác, với quy mô thực tế thì công trình hiện hữu này có kết cấu, quy mô của một nhà xưởng chứ không phải nhà ở cấp 4. Bản thân chủ công trình cũng từng thừa nhận, đây là nhà xưởng và cho biết sẽ tháo dỡ công trình sai phạm khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định.
Theo Luật sư Vũ Hữu Quý – Đoàn Luật sư Quảng Ninh: “Việc xây dựng nhà tạm trên đất trồng cây lâu năm (thuộc đất nông nghiệp) là hành vi sử dụng đất sai mục đích. Căn cứ Khoản 2, 3 Điều 11, Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp chuyển đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm... sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn hoặc khu vực đô thị thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân vi phạm còn buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm...”
Giấy chứng nhận ghi rõ ràng diện tích, thời hạn và mục đích sử dụng đất. |
Nguyên tắc sử dụng đất được quy định rõ tại Luật Đất đai 2013, theo đó việc sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất. Như vậy, trong trường hợp này người sử dụng thửa đất 266 tại xã Bình Minh, phải sử dụng đúng mục đích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì nhà xưởng xây dựng trái phép trên thửa đất 266 này vẫn ngang nhiên tồn tại? Dư luận nghi vấn có sự “chống lưng” nào đó thì công trình mới tồn tại trong suốt thời gian qua? UBND huyện Trảng Bom cần giải đáp một cách rõ ràng và nghiêm túc trước những vấn đề mà dư luận đang quan tâm, chứ không phải né tránh cung cấp thông tin cho báo chí, “đá bóng” trách nhiệm như điều mà cơ quan này đã làm.
Yphong
Theo