(Xây dựng) – Trên lô đất gần 1200m2 chỉ được xây dựng 300m2 nhà ở, còn lại là trồng cây lâu năm nhưng đã có một nhà xưởng “mọc” sừng sững, chiếm khoảng 2/3 diện tích khiến người dân băn khoăn và đặt câu hỏi ai đã “chống lưng” cho công trình xây dựng sai quy hoạch và quy định?
Công trình được xây dựng gần hết diện tích đất được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng địa phương khẳng định trong văn bản chỉ xây dựng 300m2. |
Xây dựng sai quy định
Theo phản ánh của người dân, tại ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, (Đồng Nai), tờ bản đồ số 10 thửa đất số 266 có tổng diện tích 1.173,2m2, trong đó có 300m2 là thổ cư và 873,2m2 đất trồng cây lâu năm, thời hạn sử dụng đến 30/11/2054. Lô đất này được xác nhận tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số C0755033 và cấp cho bà Tsằn Mộc Lầm địa chỉ tại xã Tân Thành, huyện Trảng Bom từ ngày 8/6/2021.
Qua tìm hiểu thực tế, phóng viên Báo điện tử Xây dựng nhận thấy, tại thửa đất này, có một công trình sừng sững với quy mô lớn hơn nhiều lần diện tích đất thổ cư, được xây dựng theo quy định tại GCNQSDĐ số C0755033 và có quy mô, thiết kế như nhà xưởng.
Việc “bỗng dưng” tại khu đất chỉ được trồng cây lâu năm cùng nhà ở mà lại “mọc” lên 1 nhà xưởng “hoành tráng” khiến người dân ấp Tân Lập và xã Bình Minh xôn xao. Dư luận cho rằng, công trình này xây dựng trái với mục đích sử dụng đất hơn 6 tháng qua, đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại thì phải có sự “chống lưng” rất lớn.
Theo Luật Đất đai 2013, đất trồng cây lâu năm là loại đất chỉ được sử dụng cho mục đích trồng các loại cây lâu năm nêu trên mà không được sử dụng với mục đích khác. Nếu người sử dụng đất muốn sử dụng đất trồng cây lâu năm với mục đích khác thì phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật hiện hành.
UBND xã Bình Minh trả lời đã tháo dỡ phần xây dựng vượt quá diện tích 300m2 (ô tròn) tại công trình mà địa phường cho là “nhà ở” có xây dựng bảng hiệu như cổng một doanh nghiệp. |
Tại Công văn số 80/UBND trả lời Báo điện tử Xây dựng, UBND xã Bình Minh cho biết: “Ngày 31/3/2023, bà Tsằn Mộc Lầm có đơn trình bày gửi UBND xã Bình Minh xin xây dựng nhà ở có kho chứa hàng (trong đơn ghi rõ loại nhà cấp 4, không hầm, tường đúc, nền xi măng nhà hai mái có phòng ngủ và kho chứa hàng) trên diện tích 300m2 đất ở nông thôn”.
Tuy nhiên, vào thời điểm phóng viên đến làm việc, thực tế diện tích nhà xưởng lớn hơn 300m2, nên phóng viên đề nghị được cung cấp bản sao đơn trình bày của bà Lầm, nhưng UBND xã Bình Minh không cung cấp được.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi rõ ràng diện tích, thời hạn và mục đích sử dụng đất. |
Cũng tại Công văn số 80, UBND xã Bình Minh còn cho biết thêm: “Ngày 8/5/2023, UBND xã Bình Minh kiểm tra và phát hiện bà Tsằn Mộc Lầm đang thi công công trình có xây dựng diện tích vượt quá 300m2, nên đã lập biên bản yêu cầu tháo gỡ phần vượt diện tích, đồng thời hướng dẫn liên hệ cơ quan có thẩm quyền để được cấp phép xây dựng nhà kho”.
Thế nhưng, ngay tại thời điểm ngày 7/7/2023, công trình chỉ được tháo dỡ 1 phần mái phía sau không đáng kể, các khung sắt thép còn nguyên trên phần đất trồng cây lâu năm, phía trước phần nhà xưởng đã xây dựng một bảng hiệu công ty chưa gắn nội dung.
Tuy nhiên, các cán bộ xã Bình Minh lại khẳng định: “Qua theo dõi và kiểm tra, hiện nay bà Tsằn Mộc Lầm đã tháo gỡ phần xây dựng vượt quá diện tích, qua kiểm tra nhà kho chỉ chứa sắt thép không sản xuất các loại mặt hàng sản xuất kinh doanh không có tiếng ồn, không khói bụi gây ô nhiễm môi trường”. Như vậy, qua văn bản này cho thấy, các cán bộ xã Bình Minh đã đánh đồng nhà xưởng, nhà kho với nhà ở được phép xây dựng là một và cho phép công trình nhà xưởng này tồn tại.
Chính quyền né tránh?
Để tiếp tục làm rõ vụ việc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng tìm đến UBND huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai nhưng chưa nhận được thông tin. Tuy nhiên, sau khi phóng viên rời trụ sở UBND huyện Trảng Bom thì nhận được cuộc gọi từ người xưng tên Hoàng (chồng bà Tsằn Mộc Lầm – PV).
Tại buổi làm việc trực tiếp với phóng viên, ông Hoàng cũng đã khẳng định: “Việc xây dựng nhà xưởng trên thửa đất 226 được quy định là đất trồng cây lâu năm và 300m đất thổ cư là trái với quy định của pháp luật. Tôi đang tìm hướng giải quyết nhưng nếu không được, tôi sẵn sàng tháo dỡ”.
Phía ông Hoàng đã rất thẳng thắn, dám chịu trách nhiệm và chờ đợi “phán quyết” từ các cơ quan quản lý, nhưng về phía lãnh đạo UBND huyện Trảng Bom thì lại “né tránh”. Bởi phóng viên đến làm việc từ ngày 7/7/2023 và rất nhiều lần liên lạc với Chủ tịch UBND huyện, nhưng đến ngày 17/7/2023, phóng viên chỉ nhận được sự hứa hẹn của chuyên viên văn phòng qua điện thoại là sẽ trả lời sớm nhất và hẹn nhanh nhất là trước ngày 20/7 sẽ cung cấp thông tin cho báo chí. Lý do được đưa ra là “chỉ đạo của UBND huyện giao cho Phòng Quản lý đô thị, tham mưu trả lời báo chí, chậm nhất là ngày 24/7/2023 mới có văn bản trả lời chính thức”. Ngày 31/7, phóng viên tiếp tục liên hệ với Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom để ghi nhận sự việc, nhưng vẫn không có câu trả lời chính thức.
Theo Luật sư Vũ Hữu Quý – Đoàn Luật sư Quảng Ninh: “Việc xây dựng nhà tạm trên đất trồng cây lâu năm (thuộc đất nông nghiệp) là hành vi sử dụng đất sai mục đích. Căn cứ khoản 2, 3 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp chuyển đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm... sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn hoặc khu vực đô thị thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân vi phạm còn buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm...”.
Yphong
Theo