(Xây dựng) – Nhiều ngày qua, trên địa bàn xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty Xây dựng Vĩnh Lạc đã bất chấp pháp luật, để vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, có khả năng gây hại đến môi trường và con người khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép.
Công ty Xây dựng Vĩnh Lạc nằm giáp trạm bơm Đại Định. |
Tự ý vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa nguy hiểm
Lưu huỳnh nằm trong danh mục hàng hóa nguy hiểm có khả năng phát tán, gây hại tới môi trường và sức khỏe con người khi tiếp xúc. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05A:2020/BCT về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm, khi bốc xếp, vận chuyển hóa chất nguy hiểm, xe phải có thùng, bồn chứa chuyên dụng hoặc có mui, bạt che tránh mưa nắng, đồng thời phải được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép.
Theo ghi nhận của phóng viên, quy định là vậy, nhưng Công ty Xây dựng Vĩnh Lạc đã hoạt động bốc dỡ, vận chuyển lưu huỳnh ngày đêm, ngay sát với trạm bơm Đại Định (trạm bơm Đại Định được sử dụng để cấp nước tưới tiêu cho diện tích khoảng 67.000ha canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở 7/9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Vĩnh Phúc). Trong quá trình bốc hàng hóa chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật, không che chắn, rơi vãi khắp nơi, ảnh hưởng đến môi trường.
Hoạt động bốc hàng lưu huỳnh lộ thiên, rơi vãi mà không vướng bất kỳ sự kiểm tra nào từ cơ quan chức năng. |
Liên hệ chính quyền địa phương, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho hay: “Đợt này, hàng loạt Công ty đang xin cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, chính quyền địa phương đang vướng vì hồ sơ đất khu vực đó hình thành hơn chục năm nay rồi. Việc Công ty Xây dựng Vĩnh Lạc bốc hàng lưu huỳnh lộ thiên tôi chưa nắm bắt được và Công ty này không được vận chuyển mặt hàng nằm trong trong mục nguy hiểm. Về việc này, tôi sẽ giao cho Công an để tăng cường công tác kiểm tra và xử phạt. Vị trí này trước đây, Công ty Xây dựng Vĩnh Lạc đã sai phạm và xử phạt hơn 100 triệu đồng, đã thanh thải chấp hành pháp luật hay chưa thì cũng chưa kiểm tra lại”.
Hoạt động dự án nhà máy gạch hay dự án bến thủy nội địa?
Ngày 26/7/2011, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định số 1886/QĐ-UBND, về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng 19.914m2 đất và cho Công ty Xây dựng Vĩnh Lạc thuê, để thực hiện Dự án xây dựng nhà máy gạch Block theo giấy chứng nhận đầu tư đã được UBND tỉnh cấp, thời hạn thuê đất là 49 năm. Đến ngày 20/01/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Xây dựng Vĩnh Lạc với tổng diện tích 17.339,2m2.
Trên diện tích đất được tỉnh giao hoạt động đa ngành nghề. |
Như vậy, UBND tỉnh giao đất cho Công ty Xây dựng Vĩnh Lạc thuê là để thực hiện Dự án xây dựng nhà máy gạch Block và yêu cầu sử dụng đúng mục đích sử dụng đất được giao. Nhưng theo quan sát thực tế của phóng viên, khu đất này đang hoạt động đa ngành nghề như: Nhà sản xuất gạch, trạm trộn bê tông, bến cảng thủy nội địa… thậm chí có dấu hiệu lấn sông làm cảng.
Công ty này đã từng nhiều lần bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, về việc tự ý đóng 82 cọc bê tông vào vị trí bảo vệ hành lang đê điều, đồng thời xử phạt 120 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Theo Văn bản số 1696/CĐTNĐ-PCTTr ngày 12/8/2016 của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, về việc ý kiến đối với Dự án xây dựng cảng thủy nội địa Vĩnh Lạc, trong đó có nội dung: “Để có cơ sở chấp thuận chủ trương xây dựng cảng, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị Công ty Xây dựng Vĩnh Lạc, hoàn thành việc thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, quy hoạch, đặc biệt là các quy định pháp luật về đê điều, thủy lợi, do vị trí dự kiến xây dựng cảng thủy nội địa Vĩnh Lạc liên quan đến hệ thống kè chính trị tại khu vực”.
Khi hỏi về thủ tục pháp lý việc Công ty Xây dựng Vĩnh Lạc có được cấp đầy đủ các thủ tục để hoạt động bến cảng hay không? UBND huyện Vĩnh Tường không thể cung cấp các hồ sơ pháp lý liên quan, đồng thời chính quyền địa phương cũng không giám sát về việc thực hiện nghĩa vụ sau vi phạm của Công ty.
Kim Hương – Văn Nhất
Theo