(Xây dựng) - Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đang triển khai 18 dự án ODA, với tổng vốn 10.054 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án ODA đầu tư và 7 dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn không hoàn lại của các nhà tài trợ song phương. Dự án tập trung vào các lĩnh vực cấp thoát nước, phát triển đô thị, nông nghiệp, biến đổi môi trường...
Công trình quảng trường khu hành chính tập trung thành phố Huế. |
Hoàn thành dự án môi trường 24,8 tỷ Yên
Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế, có tổng kinh phí đầu tư 24,8 tỷ Yên (khoảng 5.052 tỷ đồng) từ nguồn vay ODA Nhật Bản do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 8/2015. Dự án triển khai trên địa bàn 11 phường ở phía nam thành phố Huế. Dự án xây dựng một nhà máy xử lý nước thải trên diện tích 9,5ha tại phường An Đông, 8 trạm bơm và xây mới hệ thống cống thoát nước hỗn hợp để thu gom nước mưa và nước thải ở khu vực nội thị nam sông Hương.
Mục tiêu dự án nhằm xử lý khoảng 70% lượng nước thải sinh hoạt khu vực nội thị phía Nam thành phố Huế; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải không được kiểm soát, không được xử lý và chống ngập úng cho thành phố… Hiện nay, nhà máy xử lý nước thải đã chính thức đưa vào khai thác và vận hành với lưu lượng nước thải về nhà máy từ 15.000 - 17.000m3/ngày đêm.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh - Giám đốc Ban Quản lý dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế: Dự án cơ bản hoàn thành, dự kiến quý II/2021 sẽ bàn giao đưa vào sử dụng. Tháng 2/2020, nhà máy xử lý nước thải đã đi vào vận hành, kết quả xử lý đầu ra đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường. Dự án đi vào khai thác giúp giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ ở một số tuyến đường trung tâm thành phố Huế, xử lý ô nhiễm môi trường tại một số dòng sông, ao, hồ...
Ông Tuấn Anh cho biết: Kiểm tra dự án, nhà tài trợ đánh giá cao về công tác điều hành dự án của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế. Từ những kết quả đạt được, nhà tài trợ đã cam kết tiếp tục tài trợ đầu tư những hạng mục còn lại từ nguồn vốn kết dư của dự án, như: Dự án kè sông; Dự án thu gom nước thải tại Khu Đô thị An Vân Dương... Tổng vốn kết dư còn lại hơn 6 tỷ Yên (khoảng 1.500 tỷ đồng) và thời gian giải ngân đến giữa năm 2024.
Kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên – Huế cho biết: Năm 2021, tỉnh đang triển khai 18 dự án ODA với tổng vốn 10.054 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án ODA đầu tư với tổng mức đầu tư là 8.206 tỷ đồng (vốn nước ngoài là 6.938 tỷ đồng, chiếm 84,5% tổng mức đầu tư) và 7 dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn không hoàn lại của các nhà tài trợ song phương với tổng vốn đầu tư là 1.848.7661 triệu đồng (trong đó vốn nước ngoài 1.555,3 tỷ đồng, chiếm 84,12% tổng mức đầu tư các dự án).
Dự án “Chương trình phát triển các đô thị loại II” (các đô thị xanh) - Tiểu dự án Thừa Thiên - Huế có tổng vốn đầu tư hơn 1.617 tỷ đồng do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư, sử dụng vốn vay của ADB và vốn đối ứng trong nước. Dự án có ba hợp phần, trong đó: Hợp phần 1, phòng chống ngập lụt và vệ sinh môi trường; Hợp phần 2, phát triển hệ thống giao thông; Hợp phần 3, tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện dự án. Thời gian thực hiện 5 năm từ 2020 - 2025, với 7 gói thầu xây lắp lớn và 13 gói thầu tư vấn.
Hệ thống cấp nước khu xử lý rác Phú Sơn (thị xã Hương Thủy); Nạo vét và kè sông An Hòa; Chỉnh trang và xây dựng kè dọc 2 bờ sông An Cựu; Kè sông Như Ý; Hệ thống thoát nước và vỉa hè 4 phường nội thành; Nạo vét và kè hồ Kinh thành Huế; Công viên, cây xanh, quảng trường Khu hành chính tập trung; Cây xanh, vỉa hè, thoát nước điện chiếu sáng các trục sinh thái trung tâm Khu đô thị mới An Vân Dương
Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, giai đoạn 2”, với tổng vốn đầu tư hơn 181 tỷ đồng; Dự án xây dựng và nâng cấp mới 5 bến thuyền sông Hương và 2 bến thuyền tại đầm phá Tam Giang và một số số hạng mục, hạ tầng du lịch bến thuyền Bến Cây Đa - Đá Bạc, đường vào Thiền viện Trúc Lâm (huyện Phú Lộc).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên – Huế: Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, xử lý các dự án chậm tiến độ, đặc biệt các dự án trọng điểm. Yêu cầu các chủ đầu tư phải có kế hoạch sử dụng vốn và giải ngân, cam kết đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch thi công cụ thể từng dự án và đăng ký với UBND tỉnh. Các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư phải thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định; kịp thời báo cáo giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ.
Trí Đức
Theo