(Xây dựng) – Động thái thoái vốn liên tục của người nhà Chủ tịch HĐQT Đỗ Duy Thái diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của POM liên tục lao dốc và ghi nhận lỗ lớn trong 9 tháng đầu năm 2023.
Người nhà Chủ tịch Thép Pomina (POM) liên tiếp thoái vốn trong bối cảnh công ty làm ăn thua lỗ. |
Ồ ạt thoái vốn khi tình hình kinh doanh kém sắc
Tiền thân của Công ty TNHH Thép Pomina là Nhà máy Thép Pomina 1 do Công ty TNHH Thép Việt đầu tư xây dựng được thành lập vào ngày 17/08/1999 với vốn điều lệ là 42 tỷ đồng. Đến ngày 17/07/2008, công ty chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Thép Pomina với số vốn điều lệ là 500 tỷ đồng. Ngày 07/04/2010, Công ty Cổ phần Thép Pomina chính thức niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh với mã cổ phiếu là POM.
Mới đây, bà Đỗ Thị Nguyệt là chị gái của ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thép Pomina (HoSE: POM) vừa đăng ký bán ra 3,5 triệu cổ phiếu POM, thời gian diễn ra kể từ ngày 22/11 đến ngày 20/12 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Hiện tại, bà Nguyệt đang sở hữu gần 4,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,64%), nếu giao dịch bán cổ phiếu trên thành công, bà Nguyệt sẽ giảm sở hữu xuống còn gần 1,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,39%). Căn cứ theo giá cổ phiếu POM đóng cửa ngày 17/11 là 4.890 đồng/cổ phiếu, bà Nguyệt có thể thu về hơn 17 tỷ đồng từ số cổ phiếu trên sau khi thoái vốn thành công.
Trở về trước đó, bà Do Nhung, em gái ông Đỗ Duy Thái cũng đã đăng ký bán 6,57 triệu cổ phiếu POM, chiếm tỷ lệ 2,35% sau nhiều lần đăng ký thoái vốn bất thành do không đạt được giá kỳ vọng. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 15/11 đến ngày 14/12/2023, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Đáng chú ý, nếu giao dịch này diễn ra thành công, bà Do Nhung sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu POM nào.
Trên sàn giao dịch chứng khoán, cổ phiếu POM đang bị đưa vào diện kiểm soát từ 3/10/2023 do chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Khép phiên giao dịch sáng ngày 20/11, cổ phiếu POM ghi nhận thay đổi giảm 2,04%, qua đó đưa thị giá của POM về mức 4.790 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong vòng 3 tháng vừa qua, cổ phiếu POM cũng đã ghi nhận đà giảm 33,5%.
Động thái thoái vốn liên tục của người nhà Chủ tịch HĐQT Đỗ Duy Thái diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của POM liên tục lao dốc và ghi nhận lỗ lớn.
Kinh doanh thua lỗ nặng nề
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, Công ty Cổ phần Thép Pomina (HoSE: POM) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ.
Quý III/2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 503,4 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu thép tiêu thụ nội địa là mảng dẫn đầu của POM khi mang về 227 tỷ đồng, tiếp đó là doanh thu xuất khẩu với 219 tỷ đồng, doanh thu hàng hóa đưa về 87 tỷ đồng...
Kết quả kinh doanh quý III/2023 của Công ty Cổ phần Thép Pomina. |
Tình hình kinh doanh dưới giá vốn đã khiến cho lợi nhuận gộp của doanh nghiệp trong kỳ lỗ 5,2 tỷ đồng, mặc dù vậy con số này vẫn tích cực hơn so với cùng kỳ năm trước âm 578 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính và chi phí tài chính của Thép Pomina trong kỳ lần lượt sụt giảm 32% và 50%, tương đương 11,3 tỷ đồng và 58,9 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm từ 4,7 tỷ đồng xuống 1,1 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận âm 6,8 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận khác của công ty cũng ghi nhận âm 63,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ là âm hơn 7 tỷ đồng.
Kết quả, trong quý III/2023, POM ghi nhận lỗ ròng lên tới 110 tỷ đồng, dù vậy, con số này đã cải thiện hơn so với khoản lỗ gần 716 tỷ đồng của quý III năm ngoái.
Theo giải trình từ phía công ty, tình hình bất động sản đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh, điều này dẫn đến Công ty bị sụt giảm doanh thu, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao gây lỗ lớn. Bên cạnh đó, do nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh chịu nhiều chi phí, trong đó có chi phí lãi vay. Pomina 3 sẽ hoạt động trở lại dự kiến vào đầu quý IV/2023 ngay sau khi phát hành vốn riêng lẻ cho nhà đầu tư.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.947 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ lỗ 81,7 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của POM ghi nhận âm 647 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm trước cũng ghi nhận lỗ 707,5 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Thép Pomina cũng là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi đặt ra kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận sau thuế âm 150 tỷ đồng trong năm 2023. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại con số lỗ mà công ty ghi nhận đã gấp 4,3 lần so với kế hoạch lợi nhuận được đặt ra.
Tình hình tài chính đáng báo động
Tính tới thời điểm ngày 30/9/2023, Thép Pomina ghi nhận tổng cộng tài sản đạt 10.688 tỷ đồng, giảm 3% so với con số đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 3.345 tỷ đồng và tài sản dài hạn đạt 7.343 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp giảm mạnh 93%, chỉ còn 14,2 tỷ đồng trong khi con số đầu năm là 206,2 tỷ đồng.
Doanh thu thép tiêu thụ nội địa là mảng dẫn đầu của POM khi mang về 227 tỷ đồng trong quý III/2023. |
Công ty còn ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 253 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 46,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 5,19 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 56 tỷ đồng. Hàng tồn kho của Thép Pomina tính tới ngày 30/9/2023 đạt 832,7 tỷ đồng, giảm 30% so với con số hồi đầu năm.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Thép Pomina đạt 8.690 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với 7.544 tỷ đồng, đáng chú ý khoản nợ ngắn hạn này cao gấp hơn 2 lần tài sản ngắn hạn đã cho thấy khả năng thanh toán các khoản nợ của công ty là rất yếu. Dư nợ tài chính của POM tại thời điểm cuối quý III/2023 đạt mức 6.351 tỷ đồng, chiếm tới 59% tổng nguồn vốn.
Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tính tới ngày 30/9/2023 đạt 1.998 tỷ đồng, giảm 25% so với con số hồi đầu năm và chiếm 18,6% tổng cộng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Lê Trang
Theo