(Xây dựng) – “Định hướng quy hoạch, quản lý đô thị cấp địa phương gắn với mô hình Đô thị sân bay quốc tế - Áp dụng thí điểm cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tại địa bàn quận Tân Bình” là chủ đề buổi Hội thảo do Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng UBND quận Tân Bình tổ chức vừa qua.
Hầu hết chuyên gia đều đánh giá việc chuyển đổi và xây dựng mô hình đô thị sân bay là xu hướng và quận Tân Bình có rất nhiều tiềm năng. |
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Quận ủy Lê Hoàng Hà cho biết, trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất cùng lúc được tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng bên trong, cũng như kết nối giao thông đồng bộ với các khu vực xung quanh và trung tâm thành phố vừa công bố nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đây là một cơ hội, là cơ sở và động lực để quận Tân Bình thực hiện xây dựng quản lý đô thị, quy hoạch mô hình đô thị sân bay quốc tế; rà soát các quy hoạch gắn với sân bay Tân Sơn Nhất, có các biện pháp để quản lý, phát triển đô thị; kết nối giao thông đồng bộ, hiện đại với các quận lân cận để nâng cao hiệu quả khai thác sân bay; tổ chức, xây dựng hiệu quả các không gian văn hóa - văn nghệ cuối tuần, chợ đêm, phố đi bộ… phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, ẩm thực cho nhân dân cũng như du khách trong nước và quốc tế.
Các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học… tập trung phân tích, thực trạng địa bàn quận Tân Bình, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; nhận diện cơ hội và thách thức cho địa phương; hoạt động thương mại, dịch vụ… làm cơ sở để nghiên cứu, vận dụng trong quá trình lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Hầu hết chuyên gia đều đánh giá việc chuyển đổi và xây dựng mô hình đô thị sân bay là xu hướng và quận Tân Bình có rất nhiều tiềm năng. Song, còn không ít thách thức.
Theo TS. Lương Hoài Nam – thành viên Hội đồng Tư vấn Giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, Tân Sơn Nhất hiện là sân bay hiếm hoi trên thế giới không có đường cao tốc kết nối. Kết nối giao thông vào sân bay Tân Sơn Nhất còn yếu, đại lộ Phạm Văn Đồng chưa nối thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất, không mở Nguyễn Văn Trỗi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa thành đại lộ nối từ sân bay Tân Sơn Nhất sang Thủ Thiêm... Bên cạnh việc nghiên cứu lại hiệu quả quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga T3 theo phương án của Tư vấn Pháp. TS. Nam đề xuất cần đẩy nhanh hoàn thiện kết nối giao thông khu vực sân bay. Các công trình xây đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, đường trên cao số 1, số 2... đã có trong quy hoạch, cần làm ngay để giải tỏa áp lực giao thông. Song song, phát triển các quỹ đất hai bên các tuyến đường này để triển khai các hoạt động thương mại dịch vụ theo mô hình đô thị sân bay.
Kiến trúc sư Đỗ Nguyên Phong – Trưởng phòng Quy hoạch 2, Viện Quy hoạch xây dựng phân tích: Trong định hướng phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh qua các lần quy hoạch và điều chỉnh, tiềm năng sân bay Tân Sơn Nhất chưa được quan tâm và khai thác đúng mực, khái niệm về đô thị sân bay Tân Sơn Nhất rất mờ nhạt. Vì thế, các chức năng khu vực xung quanh sân bay (quận Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp) hầu như chỉ đơn thuần là khu dân cư và một vài tuyến đường gắn với sân bay “có” chức năng hỗn hợp (ở kết hợp thương mại dịch vụ).
Ths. Ks Thạch Phước Hùng – Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lại có góc nhìn khác, quận Tân Bình là đầu mối giao thông hàng không duy nhất của thành phố, có hạ tầng giao thông bộ kết nối với trung tâm thành phố và các quận lân cận; nơi có nhiều di tích văn hóa - lịch sử, có nhiều tiềm năng trở thành các điểm đến thu hút du khách. Do đó, Ths Hùng đề xuất quy tụ, gắn kết các nhà hàng, quán ăn dọc tuyến đường Trường Sơn (trục đường chính ra - vào sân bay Tân Sơn Nhất), xây dựng, phát triển thành thương hiệu cộng đồng như khu phố ẩm thực Bắc vị, phố Củ Chi, phố Cần Giờ... Thiên đường ẩm thực này không chỉ phục vụ người dân thành phố mà sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trước khi vào sân bay.
Về tầm nhìn trung hạn (giai đoạn từ 5 - 10 năm), theo Ths Hùng, Tân Bình có thể phát triển các mô hình “công viên bỏ túi”. Đây là hình thái không gian mở được khuyến khích hình thành nhằm xây dựng bổ sung diện tích mảng xanh công viên còn thiếu của quận. Những “công viên bỏ túi” tận dụng quỹ đất chưa được khai thác hiệu quả, trồng cỏ, xây dựng những vị trí tham quan cho giới trẻ “check-in”, trở thành mô hình không gian kết nối cộng đồng.
Phương Anh
Theo