(Xây dựng) - Theo Sở Công Thương Thanh Hóa, hệ thống hạ tầng thương mại biên giới đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển hoạt động giao lưu, mua bán trao đổi hàng hóa phục vụ tiêu dùng của người dân địa phương cũng như trao đổi giữa người dân địa phương với người dân nước bạn Lào.
Cửa khẩu Na Mèo huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. |
Trong một báo cáo mới đây về lĩnh vực hạ tầng thương mại biên giới của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 07 chợ tại các xã, thị trấn đang hoạt động nằm trong quy hoạch, trong đó, về hạng chợ, có 01 chợ hạng 2 và 06 chợ hạng 3.
Về loại hình chợ, tỉnh có 02 chợ tại cửa khẩu (Chợ Cửa khẩu Na Mèo, huyện Quan Sơn và Chợ cửa khẩu Tén Tằn, huyện Mường Lát); 05 chợ biên giới. Trong đó, chợ Cửa khẩu Na Mèo được chuyển đổi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh, khai thác chợ; 06 chợ được nhà nước đầu tư do UBND cấp xã quản lý và đang giao khoán thầu kinh doanh, khai thác chợ các cá nhân.
Số liệu báo cáo từ Sở Công Thương tính đến tháng 4/2024 cho thấy, trong 3/7 chợ đang hoạt động đã được đầu xây dựng mới, cơ bản đầy đủ các hạng mục công trình đáp ứng tốt nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Còn 4/7 chợ cơ sở hạ tầng còn hạn chế và 08 chợ quy hoạch mới chưa được đầu tư. Do đó, những chợ này cần nguồn vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng hoặc đầu tư xây dựng mới.
Tỉnh Thanh Hóa đầu tư hạ tầng thương mại biên giới đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển hoạt động giao lưu, mua bán hàng hóa của người dân trong địa bàn. |
Đáng chú ý, các dự án này đã được Sở Công Thương phối hợp với các địa phương nghiên cứu đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc đưa vào danh mục ưu tiên thu hút và bố trí các nguồn vốn để đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về phát triển đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…
Trong khi đó, theo Quyết định số 6076/QĐ-BCT ngày 15/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020; tại phụ lục 1, tỉnh Thanh Hóa quy hoạch 08 chợ tại các xã biên giới.
Còn theo Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tại phụ lục VI, tỉnh Thanh Hóa quy hoạch 15 chợ tại các xã, thị trấn biên giới.
Đề xuất nâng cấp Cửa khẩu chính Tén Tằn thành Cửa khẩu quốc tế, Cửa khẩu phụ Khẹo thành cửa khẩu chính. |
Liên quan đến kế hoạch kết nối và phát triển hạ tầng thương mại biên giới với các nước có chung đường biên giới, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết, hằng năm, tỉnh Thanh Hóa thực hiện trao đổi, ký kết các Thỏa thuận với tỉnh Hủa Phăn (Lào), giữa các huyện hai bên biên giới với nhau.
Qua đó góp phần hỗ trợ kết nối và phát triển hạ tầng thương mại dọc tuyến biên giới nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng thương mại biên giới, thúc đẩy các hoạt động giao thương tại các địa phương khu vực biên giới hai tỉnh.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng biên giới, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đề xuất Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tạo điều kiện cấp kinh phí, giải quyết mặt bằng để hỗ trợ đầu tư xây dựng các bãi kết hợp kho tổng hợp chứa hàng tại Cửa khẩu quốc tế Na Mèo và Cửa khẩu chính Tén Tằn. Cùng đó, nâng cấp Cửa khẩu chính Tén Tằn thành Cửa khẩu quốc tế, Cửa khẩu Phụ Khẹo thành cửa khẩu chính.
Nâng cấp lối mở Cang - Pó, Kham - Piềng lên cửa khẩu phụ để đáp ứng đầy đủ, thường xuyên nhu cầu giao thương của các thương nhân, tổ chức hoạt động thương mại biên giới tại các cửa khẩu và lối mở biên giới Việt Nam - Lào.
Đặc biệt, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông quan trọng các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hoá như: Đầu tư tuyến nối thành phố Thanh Hoá với các huyện phía Tây Thanh Hoá; đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 217, Quốc lộ 47...
Huyền Nhi
Theo