(Xây dựng) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mặc dù công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam đã và đang gia tăng sự xuất hiện trong chuỗi sản xuất toàn cầu nhưng số lượng này chưa tương xứng với tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, vấn đề chính sách phát triển cho lĩnh vực này được coi là một “điểm nghẽn”. Các doanh nghiệp (DN) ngành CNHT mong muốn được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài.
Ảnh minh hoạ. |
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, để vào được chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh về giá luôn là thách thức với các DN CNHT Việt Nam vì các bất cập của chính sách thuế, phí, lãi vay...
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN CNHT Thành phố Hà Nội kiến nghị, các tổ chức ngân hàng quan tâm cho các DN ngành CNHT được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều DN CNHT phải đầu tư 2-3 năm, thậm chí 5-10 năm mới có lãi.
Liên quan đến nội dung này, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất.
Bộ Công Thương xác định các DN hưởng chính sách này không thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Với khoảng 5.000 DN hiện nay, DN có dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập DN. Vì vậy, Bộ Công Thương đã cấp 206 giấy xác nhận ưu đãi cho các DN có dự án sản xuất CNHT.
Đáng chú ý, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của DN để thực hiện đầu tư dự án. Ngân sách địa phương hỗ trợ lãi vay với các khoản vay trung và dài hạn để thực hiện đầu tư; gắn với đó các chính sách hỗ trợ môi trường, đất đai.
Theo dự thảo, mức cấp bù chênh lệch lãi suất là 3%/năm. Với chính sách này, mỗi dự án được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng một lần trong cùng một giai đoạn nếu dự án đó chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng khác từ ngân sách nhà nước.
Thời gian được Nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay nhưng tối đa không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.
Thêm vào đó là danh mục các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển trong nước đã sản xuất được trước ngày 01/01/2015 trong các ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo.
Cục Công nghiệp cho biết trước mắt, Cục Công nghiệp sẽ xây dựng cơ chế, tham mưu các chính sách đặt hàng sản xuất và chính sách mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước, các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước như… cần ưu tiên mua sắm, đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước.
Trong thời gian tới, Cục sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách cũng như các hoạt động hỗ trợ khác nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.
Cụ thể, Cục sẽ xây dựng các chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai hiệu quả chương trình phát triển CNHT, góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.
Đồng thời, Cục Công nghiệp tiếp tục nỗ lực tập trung đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò của các doanh nghiệp công nghiệp đầu tàu trong nước. Tiếp tục phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành hàng để thúc đẩy liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước, khuyến khích các dự án ưu tiên sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện nội địa nhằm nâng cao tính độc lập, tự chủ.
Huyền Nhi
Theo