(Xây dựng) - Những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn chú trọng xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu trở thành một trong những trung tâm logistic quan trọng của cả nước, có mạng lưới hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực.
Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu là một trong ba cửa khẩu quốc tế có vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế thương mại qua biên giới. |
Hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế
Lào Cai là cửa ngõ kết nối Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc khi ở vị trí trung tâm khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cũng thuộc khu vực 2 hành lang kinh tế lớn (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn), có khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) quy mô lớn, có đủ các loại hình giao thông kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy, và sắp tới đây là đường hàng không.
Lào Cai là tỉnh có điều kiện thuận lợi và hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành một cực tăng trưởng của vùng và cả nước, nhất là về phát triển năng lượng sạch, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, kinh tế cửa khẩu, giao thương hàng hóa, dịch vụ logistics.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1627/QĐ-TTg, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có tổng diện tích khoảng 15.929,8 ha.
Cấu trúc không gian Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai hình thành theo mô hình một trung tâm hạt nhân và hai cánh. Trung tâm hạt nhân từ Bản Lầu, Bản Quẩn, phường Lào Cai, phường Duyên Hải, xã Đồng Tuyển, xã Quang Kim, xã Bản Qua và xã Bản Vược, lối mở Bản Quẩn, cửa khẩu quốc tế đường bộ - đường sắt Lào Cai, cửa khẩu quốc tế Kim Thành và cửa khẩu phụ Bản Vược. Hai cánh là cánh hành lang kinh tế phía Tây, cánh hành lang kinh tế phía đông.
Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) - Bắc Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) là lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu. |
Theo định hướng phát triển, khu kiểm soát và hành chính cửa khẩu tổ chức tại các khu vực cửa khẩu, lối mở gồm có Quốc môn, trạm Biên phòng, Công an, Hải quan, kiểm dịch, bến bãi, kho tàng, cung ứng vận tải... gắn liền với các công trình dịch vụ.
Khu dịch vụ cửa khẩu và dịch vụ hậu cần có quy mô lớn. Trong đó, khu dịch vụ cửa khẩu có diện tích khoảng 356 ha nằm tại các khu vực cửa khẩu gồm các chức năng: Khu tổ chức hội chợ; triển lãm; văn phòng đại diện các doanh nghiệp, tổ chức; trung tâm mua sắm; vui chơi giải trí; công viên cây xanh; Trung tâm khu thương mại công nghiệp (có Khu quản lý khu thương mại công nghiệp cửa khẩu); kho ngoại quan; văn phòng cơ quan Hải quan; trạm xăng; đầu mối hạ tầng kỹ thuật; dịch vụ hậu cần có diện thích khoảng 242,4 ha.
Hiện nay, UBND tỉnh Lào Cai đang tổ chức lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2045. Nội dung đồ án quy hoạch đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 53 ngày 08/12/2023. Dự kiến hoàn thiện trình Bộ Xây dựng thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2024, trong đó bổ sung Khu Công nghiệp Cốc Mỳ - Trịnh Tường với diện tích 1.000 ha.
Kỳ vọng phát triển trung tâm logistics xứng tầm khu vực
Có thể thấy, cơ sở hạ tầng thương mại trên các địa bàn tỉnh Lào Cai từng bước được nâng cấp, cải tạo, xây mới, với loại hình ngày càng đa dạng đã góp phần làm phong phú thêm bộ mặt thương mại và thị trường.
Lào Cai hiện có 72 chợ (phân bố 30,5% ở đô thị; 69,5% ở nông thôn), bình quân 01 chợ phục vụ 10.176 người, với bán kính phục vụ 5,3 km. Toàn tỉnh có 02 Trung tâm thương mại và 12 Siêu thị, chủ yếu tập trung tại thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa. Mạng lưới xăng dầu có 87 cửa hàng, phân bố chủ yếu trên các trục, tuyến giao thông với 01 kho có sức chứa 4.000 m3.
Bằng những nỗ lực, quyết tâm cao độ, trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng biên giới, năm 2023, tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Trong đó, phải kể đến các hoạt động thương mại tại Khu Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Quốc môn tại cửa khẩu Mường Khương - Kiều Đầu. (Ảnh: Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai) |
Theo đó, năm 2023, Khu Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành đã được đầu tư mở rộng thêm 8,7 ha dành cho tập kết phương tiện xuất khẩu, đáp ứng việc dừng, đỗ 500 xe xuất khẩu/ngày. Kế hoạch, trong thời gian tới, một trong những dự án quan trọng trong Khu Kinh tế cửa khẩu sẽ được khởi công là dự án cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc). Cùng với đó, dự án nâng cấp Tỉnh lộ 156 Kim Thành - Ngòi Phát cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, sẽ tạo động lực thúc đẩy xuất - nhập khẩu của tỉnh Lào Cai.
Theo quyết định số 1804 ngày 18/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn một số khu kinh tế cửa khẩu để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu được khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của hoạt động phát triển thương mại biên giới, kinh tế cửa khẩu, ông Vương Trinh Quốc - Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai cho rằng, hạ tầng khung của Khu Kinh tế cửa khẩu như giao thông, xử lý nước thải… sẽ được ưu tiên đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Đồng thời, Khu Kinh tế cửa khẩu sẽ lựa chọn và tạo điều kiện thuận lợi những nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư hạ tầng các khu chức năng để thực sự hình thành một trung tâm logistics xứng tầm khu vực.
Từ đó, góp phần nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của tỉnh Lào Cai trong việc bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Nhất là, trong bối cảnh, khu kinh tế cửa khẩu có vai trò quan trọng trong hệ thống các khu kinh tế cửa khẩu của cả nước nói chung cũng như Lào Cai nói riêng.
Huyền Nhi
Theo