(Xây dựng) – Do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng đang phải “vật lộn” với vô vàn những khó khăn như: Chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn trong sản xuất, đặc biệt là giá vật liệu xây dựng tăng “dựng đứng” đang đẩy các dự án đến nguy cơ đội vốn, chậm tiến độ…điều này khiến các cơ quan quản lý Nhà nước phải nhanh chóng vào cuộc, giải bài toán khó.
Việc giá thép tăng cao đột biến là một “cú đánh”, một giọt nước làm tràn ly rất nguy hiểm, thực trạng này có thể khiến rất nhiều các dự án có nguy cơ đội vốn, chậm tiến độ… |
Mặc dù, trong thời gian qua, các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng đã thực hiện chủ trương vừa phát triển kinh tế vừa an toàn trong chống dịch. Tuy nhiên, do bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đợt 4 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.
Ông Trần Xuân Nam – Nhân viên một công ty xây dựng trên địa bàn huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Trước khi chưa có dịch, anh em công nhân chúng tôi tháng làm 28 đến 30 công kể cả tăng ca, nay dịch dã công ty phải cắt giảm giờ làm. Hiện tại, công nhân ở công trình nào thì ở lại đó, không được di chuyển để đảm bảo công tác phòng chống dịch, có những công trình dân dụng đang thi công phải dừng lại vì giá thép tăng đột biến, chính vì vậy vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Ông Đồng Văn Long - Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Đông Sơn nhận định: Trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài cùng với giá xăng dầu tăng nhanh đã đẩy giá hàng loạt mặt hàng vật liệu xây dựng tăng theo. Trong đó, tăng đột biến là đơn giá thép, có thể nói tăng qua từng ngày. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới những dự án công trình đã, đang triển khai.
Theo đó, mức độ ảnh hưởng cũng tùy thuộc vào những gói thầu xây dựng và hình thức hợp đồng. Nếu là hợp đồng trọn gói thì phía nhà thầu phải chấp nhận bù lỗ, còn đối với những công trình hợp đồng theo hình thức điều chỉnh giá thì sẽ xin điều chỉnh, tuy nhiên việc này sẽ dẫn tới dự án có nguy cơ chậm tiến độ kéo dài.
Là một trong những doanh nghiệp xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề, ông Nguyễn Minh Hải – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Lam Sơn (thành phố Thanh Hóa) chia sẻ: "Việc giá thép tăng cao đột biến là một cú đánh, một giọt nước làm tràn ly, rất nguy hiểm. Trước thực trạng trên có thể rất nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản”.
Cũng theo ông Hải, đối với công trình quốc gia như: thủy điện, nhiệt điện, các công trình hầm, đường bộ… với thời gian thi công dài khi nhà thầu ký với chủ đầu tư theo hình thức trọn gói thì việc điều chỉnh giá là việc rất khó và nhiều khả năng doanh nghiệp phải bù lỗ lớn”.
Ông Lương Thanh Thế - Trưởng phòng Kinh tế xây dựng, Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết: Giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật kịp thời (hàng tháng hoặc sớm hơn) giá những loại vật liệu có biến động lớn. Thông tin về giá vật liệu kịp thời tới các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Phối hợp với Sở Tài chính công bố giá quý II/2021 kịp thời (dự kiến cuối tháng 6/2021, ngay sau khi Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu đợt cuối của quý II/2021 theo chu kỳ). Hoàn chỉnh, công bố kịp thời chỉ số giá xây dựng tỉnh Thanh Hóa (tháng 4, 5, 6 và quý II/2021), tương ứng với biến động của giá vật liệu xây dựng đến hiện trường xây lắp đã công bố.
Đối với các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói: Đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép cơ chế điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng, ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu, cho khối lượng thực hiện trong thời gian biến động giá (tương tự như Thông tư 09/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng), ông Thế cho biết thêm.
Theo Báo cáo số 3209/SXD-KTXD của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, giá thép xây dựng ngày 12/5/2021 cho thấy, mức tăng tăng bình quân lên tới 18,15% so với ngày 31/3/2021 và tăng 21% so với ngày 31/12/2020. Việc giá thép tăng đã làm tăng giá gói thầu và tăng tổng mức đầu tư của toàn bộ các dự án (công trình, dự án sử dụng ít thép thì tăng 0,5% đến 3%; công trình, dự án sử dụng nhiều thép thì tổng mức đầu tư tăng từ trên 3% đến trên 5%) thuộc cả 3 nhóm dự án (đã ký hợp đồng, đang triển khai thi công; đã phê duyệt đầu tư; dự án đang hoàn thiện các nội dung chuẩn bị đầu tư). |
Bài: Thanh Hóa giá thép tăng “phi mã” do Covid-19, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước tìm cách giải bài toán khó tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Tiến Anh
Theo