(Xây dựng) - Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp đã làm ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trước những khó khăn đó, tỉnh đã đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh trên địa bàn.
Nhiều công trình xây dựng bị chậm tiến độ do giá vật liệu xây dựng tăng cao so với giá thành ban đầu. |
Ảnh hưởng dịch Covid-19 đến ngành Xây dựng trên địa bàn
“Trong tháng 10/2021, dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát diễn biến càng phức tạp, kéo theo những khó khăn về kinh tế - xã hội, ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đứt gãy trong sản xuất, cung ứng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào của các dự án bất động sản tăng, đặc biệt là các sản phẩm phải nhập khẩu. Quý II/2021, giá sắt thép đã tăng xấp xỉ 30-40% so với cuối năm 2020, vật liệu xây dựng khác như: Xi măng, cát, gạch... cũng tăng. Từ đó, làm tăng giá thuế của hầu hết các loại hình, phân khúc khiến các doanh nghiệp như chúng tôi “lao đao” trong đại dịch này”, ông Nguyễn Văn Lương – đại diện Công ty TNHH Lương Oanh chia sẻ.
Từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản phải tạm dừng hoạt động nên hầu như các dự án bị ngưng trệ hoạt động đầu tư xây dựng gặp khó khăn do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, cùng thời điểm này, giá bán nhà ở các phân khúc bình dân, trung cấp, cao cấp đều có xu hướng tăng, càng làm tăng khó khăn lên về giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng có thu nhập thấp.
Theo thống kê Cục Thuế tỉnh, tính đến ngày 15/10/2021, trên địa bàn tỉnh có trên 9.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có gần 7.200 doanh nghiệp đang hoạt động. Tình hình dịch bệnh đã có tác động nhất định đến một số ngành sản xuất và doanh nghiệp. Trong đó, sản xuất công nghiệp, hiện có 138/264 doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp hoạt động ổn định; 27 doanh nghiệp đang đầu tư, lắp đặt máy móc, thiết bị có nguy cơ chậm tiến độ. Hàng tồn kho trong một số ngành hàng như xi măng, gạch xây, gạch ốp lát còn lớn…
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn và thực hiện “mục tiêu kép”
Nhưng với sự quyết tâm cả hệ thống chính trị trong việc tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế; nhiều giải pháp linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, chủ động ứng phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới được đưa ra. Cụ thể:
Một là, “thần tốc” xây dựng các bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung. Tập trung kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch, thích ứng với trạng thái bình thường mới. Sở Y tế chủ trì trong việc rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đặc biệt ưu tiên bố trí tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho người lao động trong các doanh nghiệp; đề xuất phương án truy vết, khoanh vùng, cách ly người tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm Covid-19 một cách hợp lý, bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Công bố kịp thời các vùng dịch để các tổ chức, đơn vị, người dân biết, thực hiện bảo đảm an toàn, phòng chống dịch trên địa bàn. Đồng thời, “thần tốc” xây dựng các bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Hai là, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch liên ngành để ứng phó với tình hình dịch bệnh theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân.
Ba là, gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách. Trong 9 tháng đầu năm, có trên 900 doanh nghiệp được gia hạn thời hạn nộp thuế với số tiền 375 tỷ đồng; trên 1.900 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với số tiền trên 3.370 tỷ đồng. Cùng với đó, các doanh nghiệp đủ điều kiện được giảm tiền điện; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó số lao động trong các khu, cụm công nghiệp được tiêm vắc xin mũi 1 chiếm khoảng 94%.
Để góp phần khắc phục khó khăn trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%.
Bài Phú Thọ: Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng bởi Covid-19, tuyên truyền Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ.
Phùng Hằng
Theo