(Xây dựng) - Phát triển công nghiệp, đặc biệt công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo là xu hướng ưu tiên hàng đầu của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Thời gian qua, mặc dù không tránh khỏi những tác động của dịch bệnh Covid-19, song Thái Nguyên vẫn tự hào là một trong những tỉnh đi đầu trong phát triển công nghiệp, duy trì sản xuất công nghiệp ổn định.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cắt băng khánh thành tại Nhà máy sản xuất, gia công, lắp ráp modul camera của Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình. |
Giai đoạn 2016-2020, Thái Nguyên được các Bộ, ban, ngành Trung ương đánh giá là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, là cực tăng trưởng mới của đất nước. Có được điều đó là do Thái Nguyên đã huy động được nguồn lực phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt quan tâm phát triển giao thông, các khu, cụm công nghiệp. Cùng với đó chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, thân thiện, sáng tạo, linh hoạt đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến triển khai các dự án, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Trong số đó có nhiều tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư lớn, có uy tín, kinh nghiệm có khả năng dẫn dắt thị trường, tạo ra những chuỗi giá trị như: Tập đoàn Samsung; Tập đoàn Masan; Tập đoàn Central Retail; Danko Group; Công ty Cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn; Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường… Tổng kết giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Thái Nguyên đạt bình quân 10,47%/năm (quy mô GRDP đạt 116 nghìn tỷ đồng vào năm 2020). Trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,77%/năm, đóng góp quan trọng nhất cho tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Nguyên chủ trương tiếp tục thúc đẩy công nghiệp, coi đây là động lực của mọi sự phát triển. Theo đó, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã thống nhất xác định nhiệm vụ tại Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 13/10/2020 là: “Xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”. Tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng thêm 9%/năm, tương đương giá trị gia tăng tuyệt đối khoảng 72.000 tỷ đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng, phấn đấu đạt 61% vào năm 2025.
Lắp ráp linh kiện điện tử trong nhà máy của Tập đoàn Sam Sung tại Thái Nguyên. |
Để đạt được mục tiêu nói trên, ngay đầu năm 2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng kịch bản tăng trưởng lấy nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp làm trọng tâm. Đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo nền móng thúc đẩy công nghiệp phát triển với một số nhóm giải pháp như: Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư đến với tỉnh, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.
Tăng cường chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn; sản xuất hàng xuất khẩu. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khôi phục và phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như ngành cơ khí chế tạo, thu hút đầu tư chế biến sâu trong khai thác khoáng sản để tạo đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử; phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp gắn với vùng nguyên liệu; huy động một số ngành nghề sử dụng nhiều lao động vào khu vực nông thôn để giải quyết việc làm cho người lao động, hình thành các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi.
Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, khu công nghiệp phía Nam (huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công) để thu hút đầu tư, tạo khâu đột phá trong phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp. Ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn. Gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, kế hoạch xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
Tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, giữa người dân với doanh nghiệp, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế để tạo ra những chuỗi giá trị.
Một góc Khu công nghiệp Yên Bình tại thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên. |
Hiện nay, Thái Nguyên có 7 khu công nghiệp, 35 cụm công nghiệp với các nhóm ngành có tiềm năng, lợi thế như: Công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến khoáng sản, nông, lâm sản gắn với kiểm soát và bảo vệ môi trường...
Do biết phát huy lợi thế sẵn có, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt cho Thái Nguyên quy hoạch Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình quy mô trên 200ha; được Thủ tướng chấp thuận bổ sung trên 800ha đất sản xuất công nghiệp; tỉnh đang triển khai mở rộng Khu công nghiệp Sông Công II quy mô trên 200ha; đã phê duyệt triển khai các cụm công nghiệp tại các địa phương phía Nam là Phú Bình, Phổ Yên, Sông Công.
Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn tiếp tục đến với Thái Nguyên để tìm hiểu cơ hội đầu tư, triển khai các dự án. Lũy kế đến tháng 6/2021, trên địa bàn tỉnh có trên 7.500 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 104 nghìn tỷ đồng; 163 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 8,6 tỷ USD; các dự án lớn, có sức lan toả cao đã và đang tiếp tục được tích cực triển khai thực hiện.
Với sự quyết tâm chính trị và những tín hiệu đáng mừng trong thực tiễn triển khai cho thấy, Thái Nguyên đang tạo những nền móng vững chắc, tạo sức bật mới cho phát triển công nghiệp, đó chính là động lực và tiền đề quan trọng thúc đẩy kinh tế Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững kể cả trong những lúc khó khăn.
Việt Hoan – Đình Lộc
Theo