(Xây dựng) - Những năm gần đây, huyện Tây Sơn khai thác những tiềm năng lợi thế vốn có để quy hoạch tổng thể đô thị hòa nhập với hệ sinh thái môi trường, thiết lập các không gian mở, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Kôn, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị xanh có tính đặc trưng cao.
Bộ mặt đô thị Tây Sơn mang diện mạo mới đầy sức sống. |
Dân vui khi thấy quê hương đổi mới
Chúng tôi về huyện Tây Sơn vào những ngày cuối tháng 4, là thời điểm đang tăng tốc xây dựng các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Định nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn. Không chỉ là những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Định, mà còn nhiều công trình giao thông của huyện Tây Sơn đã và đang hoàn thành làm cho bộ mặt đô thị Tây Sơn mang diện mạo mới đầy sức sống.
Thời gian qua, huyện Tây Sơn đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông khung đô thị, bao gồm các trục giao thông Đông Tây và các trục giao thông Bắc - Nam kết nối 2 bờ sông Kôn như: Nâng cấp, mở rộng tuyến QL.19B; mở rộng đường vào Khu du lịch Hầm Hô; nâng cấp, mở rộng đường ĐH27; cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường ĐH25; xây dựng mới đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong; đường tránh QL.19 phía Nam đô thị Phú Phong (từ cụm công nghiệp Tây Xuân lên đến chùa Thiên Tôn - Bình Tường); đường Bình Thành - Bình Hòa - Tây Bình (từ đập dâng Văn Phong đến đường quy hoạch Bình Nghi - Bình Hòa); đường kết nối khu du lịch Hầm Hô - ĐH25- QL.19 (Tây Giang) - đoạn 1 từ Khu du lịch Hầm hô đến ĐH25; đường nối từ đường Hùng Vương - Đập dâng Phú Phong – QL.19B.
Khu đô thị bên bờ sông Kôn. |
Qua những cung đường mới này, các xã, thị trấn nơi miền núi đến đồng bằng ở huyện Tây Sơn dễ dàng phát triển kinh tế – xã hội. Ông Cao Xuân Cẩn (74 tuổi), ở khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong kể: Trước đây, khối Thuận Nghĩa ở phía Bắc bên bờ sông Kôn phát triển khá chậm, nhà cửa thưa thớt hoang tàn, còn phía Nam bên kia sông sầm uất hơn hẳn. Đảng và nhà nước quan tâm xây dựng cầu Hữu Giang và Bình Thành, công trình cầu trên Đập dâng Phú Phong thì khối Thuận Nghĩa thay đổi nhanh chóng. Chưa kể, đường sá mở rộng, trải thảm nhựa, bê tông thẳng tắp khắp mọi ngã đường. Chúng tôi dạo bộ, tập thể dục dọc hai bên bờ kè sông Kôn hít thở bầu không khí trong lành, ngắm cảnh và mơ về những khu đô thị mới. Tôi nghĩ đến cuộc sống của các con cháu thay đổi giàu đẹp hơn thì mừng lắm.
Ông Cao Xuân Cẩn tiếp lời: Người dân ở huyện rất quan tâm đến quy hoạch đô thị, đẩy mạnh phát triển du lịch như: Dọc hai bên bờ sông Kôn, phía Bắc hình thành khu du lịch cộng đồng Thuận Nghĩa, khu biệt thự, khu nhà vườn Phú Lạc ở khối Hòa Lạc; phía Nam có khu du lịch Đập dâng Vân Phong và một số khu đô thị mới đã được quy hoạch.
Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe ông giới thiệu về một đô thị mới ven sông Kôn, tuy đã lớn tuổi nhưng ông lại nhớ và biết rõ về quy hoạch của huyện Tây Sơn giai đoạn 2025 - 2030 rõ nét. Ông Cao Xuân Cẩn cười chia sẻ: “Đọc báo, nghe đài và theo dõi kỹ các hoạt động tuyên truyền của huyện là biết thôi. Những đảng viên như tôi nắm bắt, hiểu rõ, giáo dục con cháu, gia đình ủng hộ các dự án và đóng góp phần nhỏ trong việc giữ gìn đô thị xanh, sạch, đẹp”.
Xây dựng Tây Sơn lên thị xã
Mục đích cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị Tây Sơn đến năm 2035, UBND huyện xác định các nội dung công việc, danh mục các dự án ưu tiên và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng của đô thị, nhất là hệ thống hạ tầng khung kết nối trên địa bàn để đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2024 và sớm đạt các tiêu chí thành lập thị xã.
Trong 2 năm 2022 - 2023, UBND huyện Tây Sơn nỗ lực hoàn thiện và phê duyệt 9 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 gồm các khu đô thị: Phú Hòa, Phú An, Bình Hòa, Bình Thành, Bình Tường, Tây Bình, Bắc Sông Kôn, Hòa Lạc và điều chỉnh quy hoạch chung xã Tây Giang theo hướng đạt chuẩn đô thị loại V.
Khu đô thị mới bên bờ sông Kôn. |
UBND huyện Tây Sơn còn lập quy hoạch khu trung tâm thể dục thể thao của đô thị và các quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ; nâng cấp chợ Phú Phong; xây dựng chợ đầu mối của đô thị; thu hút đầu tư xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ cấp đô thị tạo nên công trình điểm nhấn tại các khu dân cư, đô thị mới ở thị trấn Phú Phong và 6 xã (Bình Tường, Tây Phú, Tây Xuân, Bình Nghi, Bình Thành, Bình Hòa) dự kiến thành phường.
Ông Bùi Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: Hiện nay, UBND huyện đang kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào hệ thống các công trình dịch vụ, khách sạn phục vụ khách du lịch. Quỹ đất 2 bên bờ sông Kôn không chỉ được quy hoạch dành cho khu đô thị mà còn thực hiện các khu du lịch cộng đồng, công viên. Trong năm 2023, UBND huyện phối hợp đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các dịch vụ tại các di tích văn hóa - lịch sử. Triển khai quy hoạch chi tiết chỉnh trang khu vực Tháp Dương Long, làng rau VietGAP Thuận Nghĩa và kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch. Phối hợp triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Làng rau VietGAP Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong.
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng chia sẻ thêm: Huyện Tây Sơn xác định đô thị hóa là yếu tố khách quan, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thời gian tới, huyện cần quán triệt nghiêm túc chủ trương, nghị quyết của Đảng; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; chú trọng công tác quy hoạch, quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng đô thị, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Bí thư Huyện ủy Tây Sơn Lê Bình Thanh nhấn mạnh: “Với tinh thần của một miền quê giàu truyền thống yêu nước cách mạng, với sức vóc của một địa phương giàu tiềm năng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tây Sơn sẽ đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm gặt hái nhiều thành quả hơn nữa. Huyện ủy chú trọng công tác xây dựng Đảng, kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; quan tâm xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; kịp thời giải quyết các bức xúc của người dân ngay từ cơ sở để tập trung xây dựng Tây Sơn trở thành đô thị xanh, có bản sắc riêng”.
Mỹ Bình
Theo