(Xây dựng) - 6 tháng đầu năm 2024, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã tập trung chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đặc biệt chú trọng công tác giải ngân vốn đầu tư công nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tỉnh Tây Ninh xác định rõ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nhiệm vụ “then chốt” trong năm 2024. |
6 tháng đầu năm đạt nhiều thành tựu
Báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh đã được đơn vị này đặc biệt chú trọng triển khai thực hiện. Bằng những “bước đi” vững chắc, có tầm nhìn nên kinh tế tỉnh Tây Ninh đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Các chỉ tiêu kinh tế có xu hướng tăng cao dần ở những tháng đầu năm như tổng sản phẩm trong tỉnh Tây Ninh (GRDP) đạt gần 29.800 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Tỷ trọng nông - lâm thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ trong GRDP theo giá hiện hành ước đạt 17% - 47%-31,5%.
Đáng chú ý, mới đây, Tây Ninh đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3; Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 các huyện, thị xã, thành phố; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Tây Ninh đã được phê duyệt; Thí điểm triển khai ứng dụng tra cứu thông tin quy hoạch…
Bên cạnh đó, Tây Ninh đã “sát cánh” tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển lực lượng doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, hợp tác xã…
6 tháng qua, Tây Ninh còn ghi nhận những “điểm sáng” về nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, khơi thông các động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tăng cường truyền thông, tạo đồng thuận xã hội… đã được tỉnh Tây Ninh quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả.
Ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Tỉnh Tây Ninh xác định rõ năm 2024 là năm thứ 4 triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Vì vậy việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông được tỉnh này xem là nhiệm vụ “then chốt” trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ước tính đến ngày 30/6, Tây Ninh giải ngân vốn đầu tư công được 1.282 tỷ đồng, đạt 30,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 30,2% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Đây là những con số của việc xác định đúng vai trò, vị trí và tầm quan trọng rất lớn của các dự án giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tỉnh Tây Ninh đã ưu tiên bố trí tối đa mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc với với các đơn vị liên quan để bám sát tiến độ dự án, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công trình. Đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu Tây Ninh thực hiện trên nguyên tắc công khai, minh bạch, không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.
Bên cạnh những việc đã làm được, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cũng thẳng thắn nhìn nhận những việc chưa đạt như kế hoạch đề ra như nhận định của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm chia sẻ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026: Kinh tế - xã hội còn bộc lộ những khó khăn, tồn tại nhất định như tổng sản phẩm trong tỉnh và một số chỉ tiêu kinh tế chưa đạt 50% kế hoạch năm; số doanh nghiệp thành lập mới và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) giảm; còn 1 bộ phận doanh nghiệp khó khăn, chưa hoàn toàn khôi phục sản xuất kinh doanh; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả quản trị công còn chưa có nhiều cải thiện…
Trong kế hoạch của UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã đề ra 11 công việc cụ thể. Trong đó, Tây Ninh sẽ hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phân loại đô thị và đề nghị công nhận thành phố Tây Ninh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tây Ninh; Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh; Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh; Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025.
Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản và tài nguyên môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện nội dung phương án sử dụng đất của các công ty sắp hết hạn và hết hạn. Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 các huyện, thị xã, thành phố theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhất là khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng. Rà soát xử lý các tổ chức chưa thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản.
Tổ chức quản lý, điều hành tài chính - ngân sách chặt chẽ, khai thác hiệu quả các nguồn thu, điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đảm bảo đạt chất lượng, tiến độ, nhất là các dự án trọng điểm.
Đẩy nhanh các thủ tục hồ sơ pháp lý, kỹ thuật để sớm triển khai các dự án Đầu tư Cụm công nghiệp Tân Phú; Đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Hội 2; Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh.
Nguyễn Đức
Theo