(Xây dựng) - Sau 5 tháng khởi công, gói thầu XL-08 thuộc tuyến đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua huyện Hóc Môn đang dần thành hình.
Dự án xây dựng đường Vành đai 3 có chiều dài 76km, đi qua 4 địa phương, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng. Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án, gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.
Vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh dài hơn 47km. Trong đó, đoạn qua thành phố Thủ Đức có chiều dài gần 15km, tính từ điểm giáp với nút cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và kết thúc tại nút giao Tân Vạn. Đoạn qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh dài tổng cộng 32km với điểm đầu là nơi tiếp giáp cầu Bình Gởi và điểm cuối là hết cầu Thầy Thuốc.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, sau hơn 5 tháng khởi công, gói thầu XL-08 thuộc tuyến đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua huyện Hóc Môn các công nhân, kỹ sư cùng máy móc đang tập trung đẩy nhanh các hạng mục phần cầu tại cầu vượt TL9 và cầu N8.
Công trình thi công cầu vượt TL9 đoạn đi qua đường Nguyễn Văn Quá, huyện Hóc Môn do liên danh nhà thầu thực hiện dự án là Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải xây dựng Giao thông T&T - Công ty Cổ phần Công trình giao thông Sài Gòn - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 18.
Mỗi ngày có khoảng 50 công nhân chia thành 2 ca làm việc liên tục để kịp tiến độ. Trong đó, 2 mũi làm cọc khoan nhồi, 2 mũi làm bệ và thân trụ cầu.
Đại diện tư vấn giám sát cho biết, hiện nay, đã khoan được 69/82 cọc khoan nhồi, các cọc còn lại sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2024.
Nhìn từ trên cao có thể thấy rõ tuyến Vành đai 3 đi qua huyện Hóc Môn đang dần thành hình. Nhà thầu cào bóc hữu cơ phần đường hai bên, phần giữa vẫn giữ nguyên lại như thiết kế để triển khai giai đoạn sau.
Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến về đích vào năm 2026. Đây là dự án giao thông lớn nhất phía Nam từ trước đến nay, không những có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cho các tỉnh khác.
Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố. Theo đó, ông Phan Văn Mãi làm Trưởng ban chỉ đạo. Các Phó Trưởng ban là: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Thành phố; Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN Thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có quyền hạn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư công trình, dự án, các tổ chức tư vấn, các nhà thầu trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; đề xuất mời cơ quan thanh tra, kiểm toán thực hiện kiểm tra đột xuất, định kỳ các công trình, dự án khi thấy cần thiết để phòng ngừa từ xa, từ sớm các sai sót (nếu có). Đồng thời, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo, triển khai đầu tư các dự án trọng điểm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm gồm: tuyến Metro số 1, Metro số 2, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, rạch Xuyên Tâm, rạch Tham Lương – Bến Cát, Khu công nghệ môi trường xanh… và các dự án khác; kết hợp với khai thác các quỹ đất xung quan dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố. |
Viết Dũng – Quang Hải
Theo