(Xây dựng) – Ngày 10/10, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) cho biết, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của dự án đường Vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024 là 3,7 triệu m3.
Gói thầu X08 thuộc dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua huyện Hóc Môn đang dần thành hình. |
Theo Ban Giao thông, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã cam kết hỗ trợ cát cho dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh với tổng khối lượng là 10 triệu m3. Trong đó, tỉnh Vĩnh Long cung cấp 1,4 triệu m3; Tiền Giang 6,6 triệu m3 và Bến Tre 2 triệu m3.
“Các địa phương đã hỗ trợ và rất quyết liệt trong việc cấp phép khai thác mỏ. Hiện tại, có 2/13 mỏ cung cấp cát cho dự án, dự kiến trong quý IV/2024 sẽ hoàn thành cấp phép 11/13 mỏ còn lại”, Ban Giao thông thông tin.
Ban Giao thông cho biết thêm, đến nay, các nhà thầu đã huy động được khoảng 1,1 triệu m3 cát từ các nguồn cát thương mại trong nước, cát Campuchia cũng như cát từ các tỉnh nêu trên.
Ban Giao thông cùng các nhà thầu thi công vẫn đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh thủ tục cấp phép các mỏ còn lại và tăng cường huy động cát từ các mỏ cát được các địa phương cam kết hỗ trợ phục vụ cho dự án, đảm bảo tiến độ đề ra.
Được biết, dự án Vành đai 3 có chiều dài 76km, đi qua 4 địa phương, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng. Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án, gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.
Dự án đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh dài hơn 47km. Trong đó, đoạn qua thành phố Thủ Đức có chiều dài gần 15km, tính từ điểm giáp với nút cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và kết thúc tại nút giao Tân Vạn. Đoạn qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh dài tổng cộng 32km với điểm đầu là nơi tiếp giáp cầu Bình Gởi và điểm cuối là hết cầu Thầy Thuốc.
Viết Dũng
Theo